Tiệm nước Chợ Lớn



Đọc bài viết “Không gian tiệm nước Sàigòn” của nhà thơ Trần Tiến Dũng trong quyển tạp văn cùng tên, người trung niên, lớn tuổi sinh sống ở Sài gòn nhận ra ngay đó là không gian của những tiệm nước do người Hoa mà hầu hết là người Quảng kinh doanh. Ở đâu tập trung nhiều người Hoa, ở đó có tiệm nước. Lạ một điều thời đó người Việt có mở quán bán cà phê, hủ tiếu đi nữa, nơi đó cũng không gọi là tiệm nước. “Tiệm nước” chỉ để  gọi những cái quán của người Hoa. Ở Chợ Lớn xưa, Người Triều Châu (người Tiều) trồng cải, bán chạp phô, người Quảng mở hàng quán, thức ăn, nước uống. Nhắc đến “tiệm nước” là hồi tưởng về những hoài niệm. Tiệm nước “chính hiệu” ngày xưa giờ chỉ còn trong ký ức.




“Tiệm nước lưu động” Sàigòn thời xưa lắm
Tiếng là sinh ra và sống ở Sàigòn, nhưng gia đình tôi chỉ lòng vòng ở khu … Chợ Lớn, từ quận 10 đến quận 11, giờ đang định cư ở quận 6. Vì vậy, với tôi, tiệm nước ở những góc phố là những hình ảnh quen thuộc từ tuổi ấu thơ. Những tiệm nước với tấm bảng hiệu quảng cáo nước ngọt con nai hiệu Phương Toàn hay lave hiệu con cọp, chú phổ ky áo thun ba lá, quần tà lỏn Tàu nhưng lại bỏ áo vô quần, vai vắt khăn lau bàn, miệng xướng cao giọng gọi thức ăn, đồ uống. Ngoài thức uống, còn có đủ món Tàu, từ hủ tiếu, hoành thánh đến bánh bao, xíu mại, giò cháo quẩy.  Nhà thơ Trần Tiến Dũng mô tả không sai vào đâu cái không gian tiệm nước Sàigòn, mà thời xưa có rất nhiều ở … Chợ Lớn. Kể cả cái kiểu uống cà phê theo kiểu đổ ra dĩa rồi đưa lên miệng húp.  Ông ngoại tôi cũng hay dẫn tôi ra tiệm nước ăn hủ tiếu, và ông cũng uống cà phê theo kiểu đó. Lúc đó tôi chưa biết uống cà phê, chỉ ngửi thôi, nghe thơm lừng. Giờ, ngày nào cũng nhấm nháp cà phê, nhưng chưa có ly cà phê nào giống mùi vị cà phê ngày xưa.



“Tiệm mì ngoài trời” Sàigòn thời quá xưa
Thực ra hiện nay những tiệm nước người Hoa vẫn có, nhưng từ tên gọi trong dân gian đến không khí trong quán đã khác nhiều. Ở quận 5, quận 6, quận 11 có những quán mì, hủ tiếu đặc trưng của người Hoa với bảng hiệu thường có chữ “ký” đi sau như : Hải ký mì gia, Tắc ký, Tài ký, Hồng ký mì … . Nhưng gọi là quán, không còn gọi là tiệm nước. Ngày xưa khách hàng vô tiệm nước đủ thành phần không kể giàu nghèo, có thể là bác phu xe xích lô máy, người bán hàng rong, thầy giáo, ký giả … vì giá cả quá đỗi bình dân, ai cũng có thể đĩnh đạc kéo ghế, ngoắc tay “Ê, phổ ky”. Bây giờ trước cửa mấy cái quán có chữ “ký” đó toàn xe “đít bự”, khách đến quán trong túi phải rủng rỉnh mới dám vô kéo ghế. Tô hủ tiếu, tô mì không dưới 50 ngàn, dĩa xíu mại, hoành thánh chiên có  4 viên chút xíu cũng không dưới 30 ngàn. Mà ngon thiệt, tiền nào của đó thôi, đúng mùi vị đồ Tàu, không thể có ở những quán mì khác. Khách ăn xong rồi đi, nhường ghế cho người khác, vì sáng nào quán cũng đông , không còn không khí ngồi đồng, vắt cẳng, nhìn xa vắng như tiệm nước ngày nào. 

0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More