Đất , đại thụ, và cỏ cú


Nhạc sĩ - ca sĩ Miên Đức Thắng


Đất cho ta sống
Quê hương ta bồng
Đất cho ta chết
Quê hương ta về
Rồi ngày mai đất ta vươn lên màu sông núi
Rồi ngày mai đất ta hoa thơm hồng môi cười
Rồi ngày mai quê hương xanh lên màu sông núi
Vì ngày mai dân ta quyết sông vì đất này

Những năm thập niên 70, Miên Đức Thắng, một nhạc sĩ, ca sĩ trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài gòn với cây đàn guitar thùng, đệm đàn bằng tay trái đã hát chính tác phẩm của mình “Hát Từ Đồng Hoang” trong các buổi văn nghệ “Hát cho dân tôi nghe” . 
Không phải tự nhiên trong  phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh tại Sài Gòn, nơi thị thành lại có những bài hát về “dân và đất” hay đến như vậy. Việt  Nam từ xưa đến nay là một nước nông nghiệp, ngư nghiệp với những người nông dân, ngư dân. Nếu  người nông dân mất đất, người ngư dân không được ra khơi là đồng nghĩa với mất hết,  kể cả cuộc sống. Vì vậy dân ta rất quyết liệt trong các cuộc đấu tranh giữ đất, bám biển, có khi phải đem cả sinh mạng ra đánh đổi.
Vì ngày mai dân ta quyết sông vì đất này
Nếu không có sức lao động của con người, đất hoang vẫn là đất hoang, biển vắng vẫn mênh mông vô hồn. Khai hoang, vỡ đất, lấn biển, mở cõi … những việc làm có tính khai phá, mở mang, chỉ có những người có dũng khí, bản lĩnh mới dám làm. Người đi sau, kẻ hậu sinh phải luôn khâm phục biết ơn. Sự đời lại không đơn giản. Bằng thủ đoạn, sức mạnh, quyền lực, tiền bạc và cả chiêu thức lừa phỉnh, dối gạt, vẫn có những kẻ chuyên núp phía sau “canh me”, “nhân danh” rắp tâm chiếm đoạt mồ hôi, nước mắt, xương máu của người khác. Chỉ có những kẻ có quyền lực, tàn bạo mới dám làm chuyện cướp công, đoạt của mà không bị trừng trị.

Trời sinh tôi ra làm thân cỏ cú
Trời sinh anh ra làm thân đại thụ
Nay anh vươn mình che lấp thân tôi
Nay anh đâm chồi để gặp thân tôi
Trời sinh tôi ra làm thân cỏ chỉ
Trời sinh anh ra làm thân tảng đá già
Nước mưa có đổ cũng không được bao nhiêu
Nhưng một ngày vừa nắng lên khơi

Nhưng một ngày đoàn quân ra đi
Đời tôi hết làm thân cỏ cú
Đời anh hết làm thân đại thụ
Dân tôi vùng lên như bão tố
Dân tôi vùng lên như cuồng phong
Không ai cướp được đời dân tôi !
Không ai cướp được đời dân tôi !
Đây cũng là lời một bài hát trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài gòn trước 1975
Phải chăng kẻ mạnh, đầy quyền lực, tàn bạo là “đại thụ”, còn lại đa số người dân thấp cổ bé họng là “cỏ cú”. Sự so sánh này chỉ mang tính tượng hình, dễ hình dung. Trong thế giới thực vật, theo nghĩa đen cỏ cú mãi vẫn là cỏ cú không bao giờ vươn mình thành đại thụ, chỉ có cây con chung dòng giống, sống lâu năm mới thành đại thụ, kiểu cha truyền con nối chỉ tồn tại tự nhiên lâu dài trong loài cây cỏ. Ở nghĩa bóng, xã hội loài người lại khác, “đại thụ” phần lớn cũng xuất thân từ “cỏ cú”, và có lúc “đại thụ” cũng có ngày rạp mình thành “cỏ cú”. Đời cha có thể là “đại thụ” đến đời con không chừng là “cỏ cú” và ngược lại.  Con người có thể giàu mạnh bằng chính sức của mình, nhưng cũng có khi cướp công, áp bức người khác, thủ đoạn để ngoi lên, đổi dòng giống thành “đại thụ”, từ vô sản (theo nghĩa đen) trên răng dưới dép bước một bước thành giàu có (những kẻ này không xứng đáng được gọi là tư sản dù bất cứ là loại tư sản nào, giai cấp tư sản hình thành cũng phải thông qua lao động sản xuất) chỉ do chiếm đoạt mà không thông qua … lao động. Bất công, bởi thế xã hội loài người cứ mãi là các cuộc cách mạng để đòi công bằng, để giành lại áo cơm mà những kẻ “đại thụ” phi nghĩa chiếm đoạt. Và hầu như các cuộc cách mạng đều nhân danh quyền lợi, cuộc sống của quần chúng nhân dân. Qua các cuộc đấu tranh, nhiều cuộc cách mạng, chế độ mới thay chế dộ cũ. Và đương nhiên ở chế độ mới người dân luôn mong có một  xã hội tốt đẹp, công bằng, ấm no, thoài mái tự do, được đối xử đàng hoàng tử tế hơn so với chế độ cũ. Như vậy mới có thể gọi là cách mạng, là phát triển và đa số người dân mới không thấy tiếc nuối xương máu hy sinh cho công cuộc đấu tranh. Bằng ngược lại, nếu cuộc sống người dân khổ hơn, mất tự do hơn, nghèo nàn lạc hậu hơn thì không thể gọi là cách mạng, hay công cuộc đấu tranh trở nên công cốc,  vô nghĩa. Dân hết tin !

Có một thời người ta hay “càm ràm” bản chất tư hữu của anh nông dân, cho rằng anh nông dân chỉ biết mảnh ruộng, ao làng không có khả năng làm cái gì đó to tát hơn chuyện làm ruộng cá thể.  Giờ nghĩ lại đố cha nào không tư hữu, đâu phải chỉ ông nông dân. Người nông dân tư hữu chỉ trong mảnh đất của mình, bằng sức lao động của mình. Có mấy cha chỉ thích tư hữu bằng chuyện chiếm của người khác nhưng lại đua đòi làm đại cuộc, thứ đó mới bịnh. Không biết có phải vì vậy mà chuyện sở hữu đất đai của nông dân bỗng dưng trở nên đủ thứ chuyện khó khăn. Từ chuyện tập thể hóa, vô hợp tác  thời bao cấp đến chuyện qui hoạch thời kinh tế thị trường, người nông dân vừa phải đối phó với ông trời thời tiết mưa nắng bất thường, bão bùng, hạn hán trên thiên đình cho đến những ông trời con ờ dưới đất. Một số ông trời con cứ lợi dụng chủ trương, chính sách mà “chiếm”, “cắt”, “chận”. Lẽ ra tập thể hóa ngày xưa hay qui hoạch ngày nay đều là chính sách đúng đắn, nhưng có lẽ “đầy tớ” của dân ta không phải ai cũng là thần thánh, cao siêu, vô tư, đẹp như tiên ông, tiên bà như một số người cứ rao giảng nên thời nào cũng có loài “đại thụ” phi nghĩa, dù chỉ số ít, cũng làm số đông “cỏ cú” sống dở  chết dở.

Bà Tuyết Mai - Phu nhân Phó Tổng Thống VNCH


Bà Đặng Tuyết Mai  phu nhận Phó Tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ 
trong chuyến thăm một cô nhi viện Công giáo năm 1967 

Citroen và Velosolex



Sàigòn 1965 
Citroen và Velosolex , hai loại xe một thời của Sàigòn


Đạo người cầm bút trong truyện ngắn Bút Máu






“Không phân biệt được giả, chân, thiện, ác, làm sao có thể tự tin mà sống trên đời? Xã hội chưa đâu có thể gọi là chốn thiên đường, bên cạnh nhà trường còn có nhà ngục, bên cạnh ngòi bút còn có lưỡi dao, không thể chỉ thấy một chiều chỉ yêu một cạnh. Vị tất nhà trường đã không tội lỗi, ngòi bút đã không oan khiên!”.

Thầy ra thầy trò ra trò, một khoảng cách cần thiết.


Đi họp phụ huynh, trong lớp có dòng chữ “Thầy ra thầy, trò ra trò”.  So với các thành ngữ, tục ngữ về thầy trò như : “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “tiên học lễ, hậu học văn”, câu này có vẻ thẳng thừng, đơn giản.  Như một khẩu hiệu, đúng rất đương nhiên và đương nhiên chính xác. Thầy không ra thầy thì ra cái gì ?. Cũng như  trò không ra trò tất nhiên không phải là trò. Ở một nền giáo dục bình thường, trật tự, kỷ cương có lẽ không cần phải treo khẩu hiệu này làm gì ? . Nhưng khi ở một môi trường lý ra phải thật trong lành như môi trường học đường lại xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề dơ bẩn, khẩu hiệu này phải được phóng lớn, hô to thêm nữa để có thể cảnh tỉnh những ai có hành vi phá vỡ quan hệ, đạo đức thầy trò.
Hiệu trưởng mua bán dâm học sinh, thầy hiếp dâm học sinh, thầy gạ tình, trò đánh thầy, đánh cô gãy răng, nhập viện. … Gõ trên google vài dòngtrên, một mớ thông tin hỗn độn hiện ra, như những vết nhơ trên tấm vải trắng.  Đành rằng chỉ là vụ việc riêng lẻ, những cá nhân, những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng trong nồi canh giáo dục, một con sâu cũng khó có thể chấp nhận, có khi phải đổ nguyên nồi, huống hồ lúc này sâu hơi nhiều. Môi trường ô nhiễm là nguyên nhân sâu bệnh xuất hiện. Từ đâu lại có những người thầy không ra thầy, trò không ra trò.
Cách đây vài thập niên, ở trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong) có một hành lang được đặt tên là “hành lang danh dự”. Chỉ có thầy cô mới được sử dụng, học sinh tuyệt đối không dám bén mảng. Học sinh có chỗ của học sinh : các hành làng ở khu lớp học. Mỗi đầu giờ các thầy cô từ phòng giáo sư (trước 1975 giáo viên dạy trung học gọi là giáo sư) đi qua hành lang danh dự tỏa về các lớp. Học sinh từng lớp xếp hàng ngay ngắn, đứng im chờ thầy cô đến cho vào lớp. Trang phục thầy cô, đồng phục, tác phong đầu tóc, giày của học sinh đều được qui định chặt chẽ. Học sinh chỉ lo học và học. Thầy cô chỉ lo dạy và dạy. Suốt mấy năm học tại trường, không hề thấy có vụ nào bắt học sinh phải cho điểm, đánh giá thầy cô, cũng không thấy thầy cô nào mở lớp dạy thêm. Học sinh thấy thầy cô bất cứ nơi đâu, trong sân, trước cổng trường, có khi ở ngòai đường đều cúi đầu chào cung kính. Đứa nào nhút nhát, vừa thấy bóng thầy cô là …né. Ngán lắm. Một khoảng cách rất rõ giữa thầy và trò. Khoảng cách đó có thể gần hơn khi trò ra trường. Trò về thăm thầy ở trường cũ, tay bắt mặt mừng, hoặc đến tận nhà thăm thầy cô về hưu có thể trà nước, có thể nhậu nhưng vẫn còn đó một khoảng cách muôn đời : sự tôn sư trọng đạo, thầy ra thầy trò ra trò.

Sau này cái hành lang danh dự được đổi tên thành “hành lang giữa”. Và có một thời khi lên lớp, thầy bỏ áo ra ngoài quần, mang dép.  May thay, các cô vẫn còn giữ trang phục áo dài. Cái hành lang giữa giờ đã tràn lan bóng học sinh, thầy cô lẫn lộn. Có những cuộc họp, thầy trò ngồi ngang hàng, trò gọi thầy cô là “đồng chí” , và thẳng thắng phê bình các “đồng chí” thầy cô rất nhiệt tình. Nhớ rất rõ, năm học lớp 8, có cô giáo đã lớn tuổi, nổi tiếng dạy  giỏi, nghiêm khắc (xin được không nêu tên cô) vào lớp với vẻ mặt buồn bả, đôi mắt cô ướt đỏ, bần thần vài phút cô mới buột miệng :
-  Trong cuộc họp, nó không kêu cô bằng cô mà kêu bằng “đồng chí”, phê bình đồng chí phải có tính dân chủ, tính hòa đồng với học sinh.
Chà! lúc đó nhỏ quá không thấm nỗi cay đắng của cô. Tên trò phê bình cô là học sinh lớp 12 nào đó, không biết hắn giữ chức vụ nào mà lại họp chung với thấy cô và phát biểu như  vậy. Không hiểu tính dân chủ, sự hòa đồng giữa thầy và trò phải thể hiện như thế nào cho phải đây hỡi “đồng chí” trò ? . Và không hiểu có phải từ đó khoảng cách “thiêng liêng” giữa thầy và trò hình như bị xâm phạm?.  Đến khi khoảng cách đó bị rút ngắn, không còn trong phạm vi an toàn nghĩa là thầy sẽ không còn là thầy, trò không còn là trò.
Hiện nay, ngành giáo dục đang cố kéo cái khoảng cách giữa thầy và trò trở về mức cần phải có. Hy vọng sẽ làm được để không còn có những cảnh : thầy trò kéo nhau ra quán mặc cả tình, tiền đem đổi điểm ; học ở trường thi ở quán, trò đánh thầy cô lên bờ xuống ruộng. Thầy ra thầy – Trò ra trò, mong lắm thay.

Tiến Bình
Lang Thang Sài Gòn

Thuyết chính danh và đại học tại chức


Từ ngàn xưa trong nho giáo của đức Khổng Tử đã có thuyết chính danh. Để hiểu một cách sâu sắc chỉ với hai từ chính danh, cần phải có thời gian để học, để chiêm nghiệm. Nhưng cũng có thể hiểu chính danh nhanh chóng, đơn giản :
Chánh: Ngay thẳng, đúng đắn . Danh: tên.
Chính danh là cái tên gọi phải đúng theo cái nghĩa của nó.
Với thuyết chính danh, đức Khổng Tử giải thích rõ : “Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”. Ngài diễn giải thêm, trong một xã hội thịnh trị, có những đẳng cấp xã hội, bổn phận của mỗi người đều phải phân định một cách rạch ròi, trình độ tri thức của mỗi người phải tương xứng với công việc đảm nhận. Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri. Thị tri dã,  có nghĩa : hiểu biết là hiểu, không hiểu biết không hiểu, vậy đã là hiểu rồi vậy.
Căn cứ theo thuyết chính danh, việc sử dụng người trong bộ máy từ nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội …. và việc đào tạo còn nhiều chuyện phải bàn. Vấn đề này có liên quan đến vụ phân biệt đối xử giữa người học đại học dân lập, tư thục và đại học công lập hay giữa hệ chính quy và tại chức đã gây nhiều tranh cãi. Chuyện công lập, dân lập hay tư thục không dám đề cập vì thât sự không hiểu hết chất lượng đào tạo của các trường. Chỉ dám nói đến chuyện chính qui, tại chức, chuyên tu …
Trước đây, sau chiến tranh, do hoàn cảnh lịch sử, có những người có thành tích trong kháng chiến, chiến đấu trên chiến trường, hay có lý lịch "cơ bản, rõ ràng"  v..v…  được bố trí, bổ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo, vị trí chủ chốt ở chính quyền, đơn vị kinh tế … dù họ chưa hề qua một trường lớp nào, chưa có một khái niệm nào về lãnh đạo, về quản lý. Thời đó, báo chí còn thông tin, sau khi thống kê, biết được có 3 vị chủ tịch xã mù chữ (chẳng hiểu mấy vị này phải ký tên như thế nào, chẳng lẽ ký chữ thập +). Vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn hậu quả của việc bố trí cán bộ không chính danh đã bộc lộ. Chỉ cần nhớ cuộc sống khó khăn thời bao cấp, thời ngăn sông cấm chợ, cách ứng xử của một số cán bộ thiếu văn hóa với dân,  hay chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, đơn vị kinh tế thua lỗ … cũng đủ thấy trình độ cán bộ không tương xứng với chức phận đã gây hậu quả như thế nào. Do đó mới có chuyện chuẩn hóa cán bộ hay còn có thể nói “chính danh hóa” việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ.  Và trong giáo dục đại học mới xuất hiện hệ tại chức, chuyên tu … để làm cái công việc “chính danh hóa” , với hai chữ “tại chức” cũng đủ hiểu nguồn gốc ra đời của hệ này. Với nhiệm vụ cực kỳ cao cả là “chính danh hóa” trình độ cán bộ, trước tiên bộ phận phụ trách đào tạo tại chức ở các trường đại học phải chính danh, có khi còn phải nghiêm túc hơn hệ chính quy. Nhưng rất tiếc, sau nhiều năm, hệ tại chức nói chung cũng không thể làm tròn nhiệm vụ. Có nhiều lý giải cho nhận định  “dốt chuyên tu, ngu tại chức”, nhưng có lẽ nguyên nhân chính từ việc tổ chức đào tạo và kiểu đi học của những sinh viên đang tại chức. Kiểu học cho có … bằng cấp để bổ sung hồ sơ, để đáp ứng thời chuẩn hóa cán bộ bất chấp chất lượng học tập từ nhiều năm qua là hậu quả của việc bị đối xử như hiện nay.
Tóm lại ngay từ đầu việc bố trí cán bộ đã có lúc có nơi không chính danh. Để khắc phục, mới nảy sinh chuyện tại chức, chuyên tu, nhưng trong cách làm cũng thiếu chính danh. Do đó đến nay, không biết trong xã hội tồn tại bao nhiêu cử nhân, tiến sĩ … không chính danh và bao nhiêu cán bộ đảm nhiệm chức vụ, vị trí quá tầm so với trình độ của mình. Theo dõi thông tin liên quan trên báo chí đã thấy hậu quả đang dần bộc lộ rất rõ, mà không những cá nhân của người tốt nghiệp hệ tại chức (dù ở hệ này có nhiều người thật sự học hành đàng hoàng và có trình độ) mà cả xã hội đang lãnh đủ.
Tiến Bình
Lang Thang Sài Gòn

Vụ án Nguyễn Hữu Dưỡng : phải chăng đơn độc trong đời ?

Nguyễn Hữu Dưỡng cúi đầu nhận tội 
Ảnh internet

Vụ án Lê Văn Luyện chưa ráo mực, lại xuất hiện một vụ giết người cướp tiệm vàng. Lần này vẫn là một sát thủ amateur, đơn độc. Đã chẳng cướp được gì ngoài sợi dây chuyền của nạn nhân mà toàn bộ hành vi dã man được camera ghi lại trình chiếu cho hàng triệu người xem. Không tính chuyện bịt mặt, gương mặt tên giết người lộ rõ, lại dùng tay không đập tủ kính (?). Hình như cái đầu của tên cướp này vẫn chưa tính toán hết, chỉ chăm bẳm trang bị súng, dao để hỏang loạn giết người. Còn phần việc chính là hốt vàng phải bó tay, chịu thua phải tháo chạy … về nhà và sau đó là đầu thú, tra tay vào còng chờ ngày chịu sự trừng phạt của pháp luật.


Không bàn đến sự chủ quan, mất cảnh giác của tiệm vàng. Việc này Bộ Công An đã có công điện gửi các địa phương tăng cường bảo vệ. Chỉ nghĩ đến nguyên nhân, động cơ cướp vàng của Nguyễn Hữu Dưỡng ai cũng thở ra, chắc lưỡi tiếc nuối. Mất mát nhiều quá, một mạng người, một thanh niên đối diện với án tử, sự suy sụp của hai gia đình chỉ vì Dưỡng muốn kiếm tiền trả nợ vay ngân hàng và gia đình. Không nghe nói Dưỡng cờ bạc, nghiện ngập, rượu chè, trác táng, chỉ biết rằng D. đã vay tiền làm ăn rồi bị thất bại, đổ nợ. Trong thời buổi kinh tế thị trường, trật tự xã hội còn rối rắm vừa chạy vừa xếp hàng, doanh nhân sừng sỏ, bằng cấp, kinh nghiệm đầy mình làm ăn cũng có lúc chết lên, chết xuống, nợ ngập đầu, phá sản vài ba lần là chuyện thường. Nên chuyện nợ nần của Dưỡng cũng là thường tình đâu phải không có cách gỡ. Chỉ nếu … Nếu Dưỡng có được sự quan tâm, tìm hiểu đến nơi đến chốn của gia đình hai bên. Nếu Dưỡng có một sự trợ giúp của ai đó, không hẳn là vật chất mà chỉ về tâm lý, tinh thần của một người bạn tốt thân thiết chẳng hạn hay một người nào đó mà Dưỡng có thể tin tưởng tâm sự trong lúc nguy nan, ngặt nghèo. Nói chung chỉ cần một lời khuyên hợp lý có lẽ mọi chuyện đã không tệ hại đến như vậy.
Đơn độc trong đời. Đó là bi kịch của nhiều bạn trẻ do hoàn cảnh không được chưẩn bị một hành trang, nghể nghiệp hay một tâm lý vững vàng để vào đời lập thân. Và trên hết lại không hoặc rất ít hậu thuẫn của gia đình, người thân, có khi gia đình lại là áp lực nặng nề trên vai. Nhiều bạn trẻ không nghề nghiệp, không vốn, không trình độ bước vào đời ví như người lính ra trận phải chiến đấu với kẻ thù hung hãn mà tay không một tấc sắt và phía sau hoàn toàn không có hậu cứ đễ có thể quay về khi thua trận. Trong trường hợp của Dưỡng không biết nội tình thế nào nhưng hình như người nhà chỉ thúc ép mang tiền về trả nợ, nhưng có biết đâu Dưỡng đang trắng tay (?). Nhiều bạn trẻ phạm sai lầm, thất bại, mất việc và nhiều thứ đổ vỡ khác kể cả trong chuyện tình cảm …mà chung quanh không có bạn bè tốt, phía sau là chực chờ lời la mắng, oán trách của cha mẹ hay vợ con than thở, khóc lóc. Bao nhiêu đó đủ để họ nghĩ quẩn, manh động rồi tàn bạo dã man trong hoảng loạn. Yếu đuối hơn có thể dẫn đến tự tử.
Vậy ngoài chuyện bảo vệ an ninh các tiệm vàng, có lẽ có việc khác cần quan tâm hơn là ngăn ngừa một lớp trẻ hiền lành, lương thiện bỗng dưng trở thành tội phạm. Nhưng trước khi xem xét trách nhiệm của gia đình, xã hội chính bản thân các bạn trẻ, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn tự trang bị cho mình kiến thức, bản lĩnh, suy nghĩ thấu đáo trước những biến cố trong cuộc sống. Khi ngặt nghèo hãy tìm mọi sự trợ giúp để có thể vượt qua. Tránh lẻ loi, đơn độc trong đời. Trong gameshow ở mỗi đợt chơi đều có mấy quyền trợ giúp mà. Ai mà không có lúc cùng đường .
Tiến Bình 2/2012
Lang Thang Sài Gòn

KHÔNG ĐƠN GIẢN NHƯ CHUYỆN TRỘM CHÓ, BẮT MÈO

Trong xã hội con người, đụng đến  những chuyện nhỏ nhặt, không đáng quan tâm, không “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”, người ta hay chép miệng : “Ối ! chuyện chó mèo” . Lúc trước trên báo chí Sàigòn có mấy tờ báo còn đặt tên cho cái mục tin vắn linh tinh liên quan đến cá nhân như tình, tiền, tù, tội, tự tử … hàng ngày là “tin xe cán chó”. Một con chó dù là chó bình dân hay chó thượng lưu cũng là chó, xe có cán banh xác cũng là chuyện “xe cán chó”, cái xác chó cũng chỉ để làm mồi cho mấy ông ghiền thịt cầy. Vậy thôi ! Vì đây là ở Việt Nam, con chó cũng  chỉ là con … cẩu, không phải ở Mỹ, số phận của mấy con dog ngon hơn nhiều.

Ảnh minh họa từ internet

Không biết có phải vậy không mà mấy cái vụ trộm chó từ Bắc vô Nam lúc đầu chẳng có cơ quan pháp luật nào thèm để ý . Ai bị mất chó ráng chịu. Có bỏ công bắt được giải lên xã, phường, kẻ trộm cũng được thả ngay trong ngày, chỉ cảnh cáo, phạt hành chính, chứ luật nào mà xử tù chuyện “trộm chó, bắt mèo” và cũng vì có  quan điểm cho rằng "giá trị một con chó không đáng để bỏ tù một con người”  Nhưng giá trị một con chó chưa chắc là không lớn, như mấy loại chó kiểng, chó quý, giá lên đến hàng triệu… Còn  nếu đem hoàn cảnh ra để so sánh như cái ổ chó trong nhà nghèo cỡ như nhà chị Dậu (trong tác phẩm Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố) là cả một gia tài, chưa nói tới chuyện nặng tình nặng nghĩa với chủ thì vô giá…nhưng với pháp luật chó vẫn là …cẩu, vẫn không đáng giam kẻ trộm chó.  Do vậy hành vi trộm chó không được pháp luật xem như tội hình sự  để xử phạt răn đe đúng mức, đây có thể là nguyên nhân những kẻ  trộm chó ngày càng táo tợn, lộng hành. Ban đầu là đánh bã, câu trộm sau đó chủ động tấn công chủ chó bằng súng, gậy, dao … để cướp, giành, giật cho được …. một con chó. Đã có người chết, người bị thương. Chuyện con chó không còn là chuyện nhỏ, từ chuyện con chó đã làm cho quan hệ giữa người và người trở nên ghê gớm đến mức “đối xử với nhau tệ hơn chó” . Vây bắt được kẻ trộm chó, biết rằng có giao cho pháp luật cũng không ăn thua, cả làng đánh chết, đốt xác, đốt xe. Tàn nhẫn hơn nữa, người dân không cho thân nhân kẻ trộm đưa hắn đi cấp cứu vì trước đó hắn đã tấn công làm bị thương một người trong làng, họ buộc phải bồi thường .. . và chuyện trộm chó cứ tiếp tục, một cán bộ bị kẻ trộm bắn chết, kẻ trộm tiếp tục bị dân vây đánh chết ... Kẻ phạm tội bị nạn nhân đập chết, nạn nhân thành kẻ phạm tội giết người. Vì đâu nên nỗi ? Nếu các cơ quan làm luật, cơ quan thi hành pháp luật và chính quyền địa phương cảm nhận và dự đoán được bức xúc của người dân, xem chuyện trộm chó không là chuyện vặt cùa làng xóm, có lẽ sẽ không xảy ra những sự việc kinh hoàng như vậy. Hình như luật pháp lúc nào cũng đi sau, không bắt kịp với đời.

“Tội ác như hòn tuyết lăn, nếu không ngăn nó, càng lăn nó sẽ càng lớn, lớn mãi cho đến lúc không dễ dàng để phá vỡ”
Không biết câu này của ai, chỉ nhớ được trong vở kịch “Kẻ đốt đền” do nhà hát Tuổi Trẻ diễn cách nay vài chục năm, một viên quan coi ngục đã phải nhắc đi nhắc lại vì kẻ đốt đền dù bị giam vẫn cứ lợi dụng sự bất lực của luật pháp để gây thêm tội ác.

Có nhiều hành vi phạm tội tưởng chừng vặt vảnh tương tự trộm chó : móc túi trên xe buýt; rạch giỏ trong bệnh viện, chợ búa; “thu hụi chết” người bán hàng rong … diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong thời gian dài vẫn chưa có cách nào trị. Trị sao nổi khi bắt kẻ phạm tội cứ như cóc bỏ dĩa, bắt vào lại thả ra. Đã có nhiều trường hợp kẻ móc túi trên xe buýt bị bắt, hôm sau được thả ra lập tức kiếm người trả thù. Luật pháp máy móc, lạnh lùng cứ áp cái barem giá trị của tang vật để xử lý, không quá vài trăm ngàn là … thả . Hậu quả là người dân đi đâu cũng gặp tội phạm, móc túi, trộm cắp đầy dẫy. Còn ai dám bắt chúng? Việc phát hiện, bắt giữ không quá khó, phức tạp hay thiếu nhân lực như một vài quan chức biện minh. Quan trọng là quan điểm của luật pháp trong xử lý như thế nào để hạn chế tái phạm? Không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, khoảng cách từ trộm cắp vặt vãnh, riêng lẻ đến giật dọc, cướp của giết người có tổ chức, lập băng đảng trấn lột, bảo kê chỉ  là một bước chân. Chuyện tham nhũng cũng vậy thôi, dù là tham nhũng vặt từ cái phong bì trong bệnh viện, dấm dúi nơi cửa công, kẹp nhét ngoài đường phố … và cũng vì giá trị quá ít (!) chỉ vài chục, vài trăm ngàn, không đáng gọi là tham nhũng để xử lý, hậu quả là người dân bị làm khó, cứ phải “móc” và “nhét” để được việc, tham nhũng tràn lan, cấu kết thành hệ thống. Nay có lẽ “hòn tuyết tham nhũng” lớn và cứng đến nỗi có khi tàu phá băng cũng chẳng làm gì được !

Tội phạm, tham nhũng dù vặt vãnh nhưng nhiều, như đàn châu chấu không trị được, người dân làm ăn, ra đường, cả lúc đi viện cứ như ra trận, phải căng thẳng đối phó từng giờ.  Mặt ao im lìm, phẳng lặng, nhưng thử thả một miếng mồi xuống, đàn cá từ đâu trồi lên khuấy động, tăm bọt sủi lên cả góc ao. Đường phố xe cộ xuôi ngược tưởng như yên bình, nhưng thử đi xe xịn hay đeo laptop, giỏ xách, hoặc ngừng xe nghe điện thoại thì coi chừng, tội phạm trồi lên như đàn cá (so sánh như vầy cũng tội cho lũ cá, nhưng dễ hình dung).  Một gia đình anh nông dân lên thành phố để trị bệnh, vừa vào bệnh viện là bị kẻ gian rạch giỏ lấy hết tiền, trong quá trình nằm  viện anh phải tiếp tục vay mượn để điều trị và móc hầu bao ít ỏi  của mình nhét vào phong bì dấm dúi mua sự đối xử tử tế  … đó chỉ là một trường hợp điển hình người dân bị một cổ hai tròng : trộm cắp và tham nhũng. Với tình hình xã hội như vậy, người dân dễ … “nổi điên” , có thể sẽ không manh động giết người, đốt xác như mấy vụ trộm chó ngoài Bắc, nhưng lòng tin ở luật pháp, ở chính quyền chắc chắn bị sụt giảm nghiêm trọng. Làm gì để người dân không phải lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi, có thể sống trong một môi trường an toàn, thoài mái, ung dung tự tại,  cho đáng một kiếp người,  đó là trách nhiệm của những ai đang có trách nhiệm. Có nhiều nguyên nhân để tội phạm và tham nhũng phát triển, một trong những nguyên nhân đó là  hạn chế của các cơ quan pháp luật  đã đánh giá thấp, không xử lý đến nơi, đến chốn những loại tội phạm tưởng như là vặt vãnh.

Tiến Bình
Lang Thang Sài Gòn

Giới Thiệu Sài Gòn Nhớ Đâu Kể Đó


Tôi có một sở thích là hay đọc tất cả những bài viết về Sàigòn. Cứ cái tít có chữ Sàigòn là đọc. Không kể sách hay báo mạng, báo viết; không kể tác giả là ai,chuyên hay không chuyên, là người Sàigòn hay người nơi khác đến lập nghiệp, người vãng lai …. Hầu như bài nào  cũng có lý, mặc dù có những nhận định, cảm xúc về Sàigòn rất khác nhau. Dễ hiểu thôi. Mỗi người tùy vị trí, hoàn cảnh có những góc nhìn, tình cảm riêng với thành phố có nhiều cái nhất này : rộng nhất;  đông dân nhất; dân cư nhiều vùng miền, dân tộc  (còn có cả dân tuốt ở Phi Châu)  đến sinh sống, lập nghiệp nhất, năng động nhất và cả … phức tạp nhất nhưng cũng không kém phần nên thơ nhất.



Trò chơi trẻ con Sàigòn xưa


Hầu hết trò chơi ngày xưa đơn giản, nhưng bắt buộc phải có bạn cùng chơi, không thể nào chơi một mình, do vậy trẻ con hay tụ tập ở những khoảng sân trống trong xóm, trong hẽm hay sân nhà của ai đó để vui chơi. Nên cũng dễ hiểu tính cách trẻ em ngày xưa dễ hòa đồng, thân thiện, có tính tập thể cao và rất hồn nhiên ...

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More