Thầy ra thầy trò ra trò, một khoảng cách cần thiết.


Đi họp phụ huynh, trong lớp có dòng chữ “Thầy ra thầy, trò ra trò”.  So với các thành ngữ, tục ngữ về thầy trò như : “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “tiên học lễ, hậu học văn”, câu này có vẻ thẳng thừng, đơn giản.  Như một khẩu hiệu, đúng rất đương nhiên và đương nhiên chính xác. Thầy không ra thầy thì ra cái gì ?. Cũng như  trò không ra trò tất nhiên không phải là trò. Ở một nền giáo dục bình thường, trật tự, kỷ cương có lẽ không cần phải treo khẩu hiệu này làm gì ? . Nhưng khi ở một môi trường lý ra phải thật trong lành như môi trường học đường lại xuất hiện ngày càng nhiều những vấn đề dơ bẩn, khẩu hiệu này phải được phóng lớn, hô to thêm nữa để có thể cảnh tỉnh những ai có hành vi phá vỡ quan hệ, đạo đức thầy trò.
Hiệu trưởng mua bán dâm học sinh, thầy hiếp dâm học sinh, thầy gạ tình, trò đánh thầy, đánh cô gãy răng, nhập viện. … Gõ trên google vài dòngtrên, một mớ thông tin hỗn độn hiện ra, như những vết nhơ trên tấm vải trắng.  Đành rằng chỉ là vụ việc riêng lẻ, những cá nhân, những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng trong nồi canh giáo dục, một con sâu cũng khó có thể chấp nhận, có khi phải đổ nguyên nồi, huống hồ lúc này sâu hơi nhiều. Môi trường ô nhiễm là nguyên nhân sâu bệnh xuất hiện. Từ đâu lại có những người thầy không ra thầy, trò không ra trò.
Cách đây vài thập niên, ở trường trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (nay là trường PTTH chuyên Lê Hồng Phong) có một hành lang được đặt tên là “hành lang danh dự”. Chỉ có thầy cô mới được sử dụng, học sinh tuyệt đối không dám bén mảng. Học sinh có chỗ của học sinh : các hành làng ở khu lớp học. Mỗi đầu giờ các thầy cô từ phòng giáo sư (trước 1975 giáo viên dạy trung học gọi là giáo sư) đi qua hành lang danh dự tỏa về các lớp. Học sinh từng lớp xếp hàng ngay ngắn, đứng im chờ thầy cô đến cho vào lớp. Trang phục thầy cô, đồng phục, tác phong đầu tóc, giày của học sinh đều được qui định chặt chẽ. Học sinh chỉ lo học và học. Thầy cô chỉ lo dạy và dạy. Suốt mấy năm học tại trường, không hề thấy có vụ nào bắt học sinh phải cho điểm, đánh giá thầy cô, cũng không thấy thầy cô nào mở lớp dạy thêm. Học sinh thấy thầy cô bất cứ nơi đâu, trong sân, trước cổng trường, có khi ở ngòai đường đều cúi đầu chào cung kính. Đứa nào nhút nhát, vừa thấy bóng thầy cô là …né. Ngán lắm. Một khoảng cách rất rõ giữa thầy và trò. Khoảng cách đó có thể gần hơn khi trò ra trường. Trò về thăm thầy ở trường cũ, tay bắt mặt mừng, hoặc đến tận nhà thăm thầy cô về hưu có thể trà nước, có thể nhậu nhưng vẫn còn đó một khoảng cách muôn đời : sự tôn sư trọng đạo, thầy ra thầy trò ra trò.

Sau này cái hành lang danh dự được đổi tên thành “hành lang giữa”. Và có một thời khi lên lớp, thầy bỏ áo ra ngoài quần, mang dép.  May thay, các cô vẫn còn giữ trang phục áo dài. Cái hành lang giữa giờ đã tràn lan bóng học sinh, thầy cô lẫn lộn. Có những cuộc họp, thầy trò ngồi ngang hàng, trò gọi thầy cô là “đồng chí” , và thẳng thắng phê bình các “đồng chí” thầy cô rất nhiệt tình. Nhớ rất rõ, năm học lớp 8, có cô giáo đã lớn tuổi, nổi tiếng dạy  giỏi, nghiêm khắc (xin được không nêu tên cô) vào lớp với vẻ mặt buồn bả, đôi mắt cô ướt đỏ, bần thần vài phút cô mới buột miệng :
-  Trong cuộc họp, nó không kêu cô bằng cô mà kêu bằng “đồng chí”, phê bình đồng chí phải có tính dân chủ, tính hòa đồng với học sinh.
Chà! lúc đó nhỏ quá không thấm nỗi cay đắng của cô. Tên trò phê bình cô là học sinh lớp 12 nào đó, không biết hắn giữ chức vụ nào mà lại họp chung với thấy cô và phát biểu như  vậy. Không hiểu tính dân chủ, sự hòa đồng giữa thầy và trò phải thể hiện như thế nào cho phải đây hỡi “đồng chí” trò ? . Và không hiểu có phải từ đó khoảng cách “thiêng liêng” giữa thầy và trò hình như bị xâm phạm?.  Đến khi khoảng cách đó bị rút ngắn, không còn trong phạm vi an toàn nghĩa là thầy sẽ không còn là thầy, trò không còn là trò.
Hiện nay, ngành giáo dục đang cố kéo cái khoảng cách giữa thầy và trò trở về mức cần phải có. Hy vọng sẽ làm được để không còn có những cảnh : thầy trò kéo nhau ra quán mặc cả tình, tiền đem đổi điểm ; học ở trường thi ở quán, trò đánh thầy cô lên bờ xuống ruộng. Thầy ra thầy – Trò ra trò, mong lắm thay.

Tiến Bình
Lang Thang Sài Gòn

0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More