Đạo người cầm bút trong truyện ngắn Bút Máu






“Không phân biệt được giả, chân, thiện, ác, làm sao có thể tự tin mà sống trên đời? Xã hội chưa đâu có thể gọi là chốn thiên đường, bên cạnh nhà trường còn có nhà ngục, bên cạnh ngòi bút còn có lưỡi dao, không thể chỉ thấy một chiều chỉ yêu một cạnh. Vị tất nhà trường đã không tội lỗi, ngòi bút đã không oan khiên!”.


Đoạn văn trên là lời người cậu của Lương Sinh – nhân vật chính trong truyện ngắn Bút Máu – của nhà văn Vũ Hạnh viết năm 1958. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo của tác giả muốn đề cập đến trong truyện.


Lương Sinh, một nho sinh chê lưỡi gươm tanh mùi máu không theo đường binh đao. Với tài thi phú sẵn có, Sinh cầm bút theo nghề thơ văn. Trong một dịp đi du xuân với quan Tổng Trấn, Lương Sinh dùng tài văn chương của mình phóng bút ca ngợi tài đức của quan khắp nơi, tuyệt nhiên không biết đây là một tên quan tham tàn, ác độc.


“Đến đâu quan cũng xin Sinh lưu bút để cho khắc vào bia đá, cột đồng, Sinh phóng bút thao thao bất tuyệt, hết lòng ca ngợi tài đức của quan. Mực thơm bút quý, lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu. Trước khi giã từ, Sinh còn lưu lại bài tán tổng kết công đức của quan để khắc ở chốn công đường và bài minh, ký để ghi tạc vào mấy cỗ hồng chung tại các tháp đền quy mô trong hạt…”


Sau đó, Lương Sinh lâm trọng bệnh, thấy bút thấm toàn máu, trên tay cũng đầy máu. Người cậu lại nói :


"Ta từng bảo cháu ngòi bút không phải không có oan khiên. Lưỡi gươm tuy ác nhưng mà trách nhiệm rõ ràng lỗi lầm tác hại cũng trong giới hạn. Mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người, tội ác của kẻ cầm bút xưa nay kể biết là bao, nhưng chẳng qua mờ mịt hư ảo nên không thấy rõ hay không muốn rõ mà thôi….. 

Tội ác văn chương xưa nay nếu đem phân tích biết đâu chẳng dồn thành ngàn dẫy Thiên Sơn? Thần tạng của cháu kinh động thất thường, nhưng mà bản chất huyền diệu có thể cảm ứng với cõi vô hình, chắc cháu làm điều tổn đức khá nặng nên máu oan mới đuổi theo như vậy. Hãy xem có lỡ hứng bút đi lệch đường chăng? Soát lại cho mau, soát lại cho mau, chớ để chầy ngày".


Lương sinh soát lại từng bài viết, từng tập thi tuyển và sau cùng mới biết rằng chính những lời ca ngợi, tôn xưng tên quan đã làm cho quan khâm sai tưởng rằng hắn là một vị quan tốt, bác hết đơn tố cáo của dân. Khâm sai đi rồi, tên quan đã trả thù người dân tàn khốc, làng mạc, thôn xóm đẫm máu người vô tội.


Truyện viết đã lâu song những điều ông muốn nhắc nhở người cầm bút không bao giờ cũ, vẫn còn nguyên giá trị. Và thời nay có khi những lời nhắc nhở đó đã trở thành “chân kinh” trong đạo người cầm bút.


Phải phân biệt được giả, chân, thiện, ác – Đừng thấy một chiều, yêu một cạnh – Đừng mượn sự huyễn hoặc của văn chương mà gây điều thiệt hại cho con người. Hãy mau soát lại, hỡi những người cầm bút, có khi nào ca ngợi, tâng bốc loài ác quỷ như những thiên thần không, hãy soát lại.


Tiến Bình

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More