Thuyết chính danh và đại học tại chức


Từ ngàn xưa trong nho giáo của đức Khổng Tử đã có thuyết chính danh. Để hiểu một cách sâu sắc chỉ với hai từ chính danh, cần phải có thời gian để học, để chiêm nghiệm. Nhưng cũng có thể hiểu chính danh nhanh chóng, đơn giản :
Chánh: Ngay thẳng, đúng đắn . Danh: tên.
Chính danh là cái tên gọi phải đúng theo cái nghĩa của nó.
Với thuyết chính danh, đức Khổng Tử giải thích rõ : “Vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con”. Ngài diễn giải thêm, trong một xã hội thịnh trị, có những đẳng cấp xã hội, bổn phận của mỗi người đều phải phân định một cách rạch ròi, trình độ tri thức của mỗi người phải tương xứng với công việc đảm nhận. Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri. Thị tri dã,  có nghĩa : hiểu biết là hiểu, không hiểu biết không hiểu, vậy đã là hiểu rồi vậy.
Căn cứ theo thuyết chính danh, việc sử dụng người trong bộ máy từ nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội …. và việc đào tạo còn nhiều chuyện phải bàn. Vấn đề này có liên quan đến vụ phân biệt đối xử giữa người học đại học dân lập, tư thục và đại học công lập hay giữa hệ chính quy và tại chức đã gây nhiều tranh cãi. Chuyện công lập, dân lập hay tư thục không dám đề cập vì thât sự không hiểu hết chất lượng đào tạo của các trường. Chỉ dám nói đến chuyện chính qui, tại chức, chuyên tu …
Trước đây, sau chiến tranh, do hoàn cảnh lịch sử, có những người có thành tích trong kháng chiến, chiến đấu trên chiến trường, hay có lý lịch "cơ bản, rõ ràng"  v..v…  được bố trí, bổ nhiệm ở các vị trí lãnh đạo, vị trí chủ chốt ở chính quyền, đơn vị kinh tế … dù họ chưa hề qua một trường lớp nào, chưa có một khái niệm nào về lãnh đạo, về quản lý. Thời đó, báo chí còn thông tin, sau khi thống kê, biết được có 3 vị chủ tịch xã mù chữ (chẳng hiểu mấy vị này phải ký tên như thế nào, chẳng lẽ ký chữ thập +). Vì vậy chỉ sau một thời gian ngắn hậu quả của việc bố trí cán bộ không chính danh đã bộc lộ. Chỉ cần nhớ cuộc sống khó khăn thời bao cấp, thời ngăn sông cấm chợ, cách ứng xử của một số cán bộ thiếu văn hóa với dân,  hay chứng kiến hàng loạt doanh nghiệp nhà nước, đơn vị kinh tế thua lỗ … cũng đủ thấy trình độ cán bộ không tương xứng với chức phận đã gây hậu quả như thế nào. Do đó mới có chuyện chuẩn hóa cán bộ hay còn có thể nói “chính danh hóa” việc bố trí, bổ nhiệm cán bộ.  Và trong giáo dục đại học mới xuất hiện hệ tại chức, chuyên tu … để làm cái công việc “chính danh hóa” , với hai chữ “tại chức” cũng đủ hiểu nguồn gốc ra đời của hệ này. Với nhiệm vụ cực kỳ cao cả là “chính danh hóa” trình độ cán bộ, trước tiên bộ phận phụ trách đào tạo tại chức ở các trường đại học phải chính danh, có khi còn phải nghiêm túc hơn hệ chính quy. Nhưng rất tiếc, sau nhiều năm, hệ tại chức nói chung cũng không thể làm tròn nhiệm vụ. Có nhiều lý giải cho nhận định  “dốt chuyên tu, ngu tại chức”, nhưng có lẽ nguyên nhân chính từ việc tổ chức đào tạo và kiểu đi học của những sinh viên đang tại chức. Kiểu học cho có … bằng cấp để bổ sung hồ sơ, để đáp ứng thời chuẩn hóa cán bộ bất chấp chất lượng học tập từ nhiều năm qua là hậu quả của việc bị đối xử như hiện nay.
Tóm lại ngay từ đầu việc bố trí cán bộ đã có lúc có nơi không chính danh. Để khắc phục, mới nảy sinh chuyện tại chức, chuyên tu, nhưng trong cách làm cũng thiếu chính danh. Do đó đến nay, không biết trong xã hội tồn tại bao nhiêu cử nhân, tiến sĩ … không chính danh và bao nhiêu cán bộ đảm nhiệm chức vụ, vị trí quá tầm so với trình độ của mình. Theo dõi thông tin liên quan trên báo chí đã thấy hậu quả đang dần bộc lộ rất rõ, mà không những cá nhân của người tốt nghiệp hệ tại chức (dù ở hệ này có nhiều người thật sự học hành đàng hoàng và có trình độ) mà cả xã hội đang lãnh đủ.
Tiến Bình
Lang Thang Sài Gòn

0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More