KHÔNG ĐƠN GIẢN NHƯ CHUYỆN TRỘM CHÓ, BẮT MÈO

Trong xã hội con người, đụng đến  những chuyện nhỏ nhặt, không đáng quan tâm, không “ảnh hưởng đến hòa bình thế giới”, người ta hay chép miệng : “Ối ! chuyện chó mèo” . Lúc trước trên báo chí Sàigòn có mấy tờ báo còn đặt tên cho cái mục tin vắn linh tinh liên quan đến cá nhân như tình, tiền, tù, tội, tự tử … hàng ngày là “tin xe cán chó”. Một con chó dù là chó bình dân hay chó thượng lưu cũng là chó, xe có cán banh xác cũng là chuyện “xe cán chó”, cái xác chó cũng chỉ để làm mồi cho mấy ông ghiền thịt cầy. Vậy thôi ! Vì đây là ở Việt Nam, con chó cũng  chỉ là con … cẩu, không phải ở Mỹ, số phận của mấy con dog ngon hơn nhiều.

Ảnh minh họa từ internet

Không biết có phải vậy không mà mấy cái vụ trộm chó từ Bắc vô Nam lúc đầu chẳng có cơ quan pháp luật nào thèm để ý . Ai bị mất chó ráng chịu. Có bỏ công bắt được giải lên xã, phường, kẻ trộm cũng được thả ngay trong ngày, chỉ cảnh cáo, phạt hành chính, chứ luật nào mà xử tù chuyện “trộm chó, bắt mèo” và cũng vì có  quan điểm cho rằng "giá trị một con chó không đáng để bỏ tù một con người”  Nhưng giá trị một con chó chưa chắc là không lớn, như mấy loại chó kiểng, chó quý, giá lên đến hàng triệu… Còn  nếu đem hoàn cảnh ra để so sánh như cái ổ chó trong nhà nghèo cỡ như nhà chị Dậu (trong tác phẩm Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố) là cả một gia tài, chưa nói tới chuyện nặng tình nặng nghĩa với chủ thì vô giá…nhưng với pháp luật chó vẫn là …cẩu, vẫn không đáng giam kẻ trộm chó.  Do vậy hành vi trộm chó không được pháp luật xem như tội hình sự  để xử phạt răn đe đúng mức, đây có thể là nguyên nhân những kẻ  trộm chó ngày càng táo tợn, lộng hành. Ban đầu là đánh bã, câu trộm sau đó chủ động tấn công chủ chó bằng súng, gậy, dao … để cướp, giành, giật cho được …. một con chó. Đã có người chết, người bị thương. Chuyện con chó không còn là chuyện nhỏ, từ chuyện con chó đã làm cho quan hệ giữa người và người trở nên ghê gớm đến mức “đối xử với nhau tệ hơn chó” . Vây bắt được kẻ trộm chó, biết rằng có giao cho pháp luật cũng không ăn thua, cả làng đánh chết, đốt xác, đốt xe. Tàn nhẫn hơn nữa, người dân không cho thân nhân kẻ trộm đưa hắn đi cấp cứu vì trước đó hắn đã tấn công làm bị thương một người trong làng, họ buộc phải bồi thường .. . và chuyện trộm chó cứ tiếp tục, một cán bộ bị kẻ trộm bắn chết, kẻ trộm tiếp tục bị dân vây đánh chết ... Kẻ phạm tội bị nạn nhân đập chết, nạn nhân thành kẻ phạm tội giết người. Vì đâu nên nỗi ? Nếu các cơ quan làm luật, cơ quan thi hành pháp luật và chính quyền địa phương cảm nhận và dự đoán được bức xúc của người dân, xem chuyện trộm chó không là chuyện vặt cùa làng xóm, có lẽ sẽ không xảy ra những sự việc kinh hoàng như vậy. Hình như luật pháp lúc nào cũng đi sau, không bắt kịp với đời.

“Tội ác như hòn tuyết lăn, nếu không ngăn nó, càng lăn nó sẽ càng lớn, lớn mãi cho đến lúc không dễ dàng để phá vỡ”
Không biết câu này của ai, chỉ nhớ được trong vở kịch “Kẻ đốt đền” do nhà hát Tuổi Trẻ diễn cách nay vài chục năm, một viên quan coi ngục đã phải nhắc đi nhắc lại vì kẻ đốt đền dù bị giam vẫn cứ lợi dụng sự bất lực của luật pháp để gây thêm tội ác.

Có nhiều hành vi phạm tội tưởng chừng vặt vảnh tương tự trộm chó : móc túi trên xe buýt; rạch giỏ trong bệnh viện, chợ búa; “thu hụi chết” người bán hàng rong … diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong thời gian dài vẫn chưa có cách nào trị. Trị sao nổi khi bắt kẻ phạm tội cứ như cóc bỏ dĩa, bắt vào lại thả ra. Đã có nhiều trường hợp kẻ móc túi trên xe buýt bị bắt, hôm sau được thả ra lập tức kiếm người trả thù. Luật pháp máy móc, lạnh lùng cứ áp cái barem giá trị của tang vật để xử lý, không quá vài trăm ngàn là … thả . Hậu quả là người dân đi đâu cũng gặp tội phạm, móc túi, trộm cắp đầy dẫy. Còn ai dám bắt chúng? Việc phát hiện, bắt giữ không quá khó, phức tạp hay thiếu nhân lực như một vài quan chức biện minh. Quan trọng là quan điểm của luật pháp trong xử lý như thế nào để hạn chế tái phạm? Không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, khoảng cách từ trộm cắp vặt vãnh, riêng lẻ đến giật dọc, cướp của giết người có tổ chức, lập băng đảng trấn lột, bảo kê chỉ  là một bước chân. Chuyện tham nhũng cũng vậy thôi, dù là tham nhũng vặt từ cái phong bì trong bệnh viện, dấm dúi nơi cửa công, kẹp nhét ngoài đường phố … và cũng vì giá trị quá ít (!) chỉ vài chục, vài trăm ngàn, không đáng gọi là tham nhũng để xử lý, hậu quả là người dân bị làm khó, cứ phải “móc” và “nhét” để được việc, tham nhũng tràn lan, cấu kết thành hệ thống. Nay có lẽ “hòn tuyết tham nhũng” lớn và cứng đến nỗi có khi tàu phá băng cũng chẳng làm gì được !

Tội phạm, tham nhũng dù vặt vãnh nhưng nhiều, như đàn châu chấu không trị được, người dân làm ăn, ra đường, cả lúc đi viện cứ như ra trận, phải căng thẳng đối phó từng giờ.  Mặt ao im lìm, phẳng lặng, nhưng thử thả một miếng mồi xuống, đàn cá từ đâu trồi lên khuấy động, tăm bọt sủi lên cả góc ao. Đường phố xe cộ xuôi ngược tưởng như yên bình, nhưng thử đi xe xịn hay đeo laptop, giỏ xách, hoặc ngừng xe nghe điện thoại thì coi chừng, tội phạm trồi lên như đàn cá (so sánh như vầy cũng tội cho lũ cá, nhưng dễ hình dung).  Một gia đình anh nông dân lên thành phố để trị bệnh, vừa vào bệnh viện là bị kẻ gian rạch giỏ lấy hết tiền, trong quá trình nằm  viện anh phải tiếp tục vay mượn để điều trị và móc hầu bao ít ỏi  của mình nhét vào phong bì dấm dúi mua sự đối xử tử tế  … đó chỉ là một trường hợp điển hình người dân bị một cổ hai tròng : trộm cắp và tham nhũng. Với tình hình xã hội như vậy, người dân dễ … “nổi điên” , có thể sẽ không manh động giết người, đốt xác như mấy vụ trộm chó ngoài Bắc, nhưng lòng tin ở luật pháp, ở chính quyền chắc chắn bị sụt giảm nghiêm trọng. Làm gì để người dân không phải lúc nào cũng lo lắng, sợ hãi, có thể sống trong một môi trường an toàn, thoài mái, ung dung tự tại,  cho đáng một kiếp người,  đó là trách nhiệm của những ai đang có trách nhiệm. Có nhiều nguyên nhân để tội phạm và tham nhũng phát triển, một trong những nguyên nhân đó là  hạn chế của các cơ quan pháp luật  đã đánh giá thấp, không xử lý đến nơi, đến chốn những loại tội phạm tưởng như là vặt vãnh.

Tiến Bình
Lang Thang Sài Gòn

0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More