Đất , đại thụ, và cỏ cú


Nhạc sĩ - ca sĩ Miên Đức Thắng


Đất cho ta sống
Quê hương ta bồng
Đất cho ta chết
Quê hương ta về
Rồi ngày mai đất ta vươn lên màu sông núi
Rồi ngày mai đất ta hoa thơm hồng môi cười
Rồi ngày mai quê hương xanh lên màu sông núi
Vì ngày mai dân ta quyết sông vì đất này

Những năm thập niên 70, Miên Đức Thắng, một nhạc sĩ, ca sĩ trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài gòn với cây đàn guitar thùng, đệm đàn bằng tay trái đã hát chính tác phẩm của mình “Hát Từ Đồng Hoang” trong các buổi văn nghệ “Hát cho dân tôi nghe” . 
Không phải tự nhiên trong  phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh tại Sài Gòn, nơi thị thành lại có những bài hát về “dân và đất” hay đến như vậy. Việt  Nam từ xưa đến nay là một nước nông nghiệp, ngư nghiệp với những người nông dân, ngư dân. Nếu  người nông dân mất đất, người ngư dân không được ra khơi là đồng nghĩa với mất hết,  kể cả cuộc sống. Vì vậy dân ta rất quyết liệt trong các cuộc đấu tranh giữ đất, bám biển, có khi phải đem cả sinh mạng ra đánh đổi.
Vì ngày mai dân ta quyết sông vì đất này
Nếu không có sức lao động của con người, đất hoang vẫn là đất hoang, biển vắng vẫn mênh mông vô hồn. Khai hoang, vỡ đất, lấn biển, mở cõi … những việc làm có tính khai phá, mở mang, chỉ có những người có dũng khí, bản lĩnh mới dám làm. Người đi sau, kẻ hậu sinh phải luôn khâm phục biết ơn. Sự đời lại không đơn giản. Bằng thủ đoạn, sức mạnh, quyền lực, tiền bạc và cả chiêu thức lừa phỉnh, dối gạt, vẫn có những kẻ chuyên núp phía sau “canh me”, “nhân danh” rắp tâm chiếm đoạt mồ hôi, nước mắt, xương máu của người khác. Chỉ có những kẻ có quyền lực, tàn bạo mới dám làm chuyện cướp công, đoạt của mà không bị trừng trị.

Trời sinh tôi ra làm thân cỏ cú
Trời sinh anh ra làm thân đại thụ
Nay anh vươn mình che lấp thân tôi
Nay anh đâm chồi để gặp thân tôi
Trời sinh tôi ra làm thân cỏ chỉ
Trời sinh anh ra làm thân tảng đá già
Nước mưa có đổ cũng không được bao nhiêu
Nhưng một ngày vừa nắng lên khơi

Nhưng một ngày đoàn quân ra đi
Đời tôi hết làm thân cỏ cú
Đời anh hết làm thân đại thụ
Dân tôi vùng lên như bão tố
Dân tôi vùng lên như cuồng phong
Không ai cướp được đời dân tôi !
Không ai cướp được đời dân tôi !
Đây cũng là lời một bài hát trong phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Sài gòn trước 1975
Phải chăng kẻ mạnh, đầy quyền lực, tàn bạo là “đại thụ”, còn lại đa số người dân thấp cổ bé họng là “cỏ cú”. Sự so sánh này chỉ mang tính tượng hình, dễ hình dung. Trong thế giới thực vật, theo nghĩa đen cỏ cú mãi vẫn là cỏ cú không bao giờ vươn mình thành đại thụ, chỉ có cây con chung dòng giống, sống lâu năm mới thành đại thụ, kiểu cha truyền con nối chỉ tồn tại tự nhiên lâu dài trong loài cây cỏ. Ở nghĩa bóng, xã hội loài người lại khác, “đại thụ” phần lớn cũng xuất thân từ “cỏ cú”, và có lúc “đại thụ” cũng có ngày rạp mình thành “cỏ cú”. Đời cha có thể là “đại thụ” đến đời con không chừng là “cỏ cú” và ngược lại.  Con người có thể giàu mạnh bằng chính sức của mình, nhưng cũng có khi cướp công, áp bức người khác, thủ đoạn để ngoi lên, đổi dòng giống thành “đại thụ”, từ vô sản (theo nghĩa đen) trên răng dưới dép bước một bước thành giàu có (những kẻ này không xứng đáng được gọi là tư sản dù bất cứ là loại tư sản nào, giai cấp tư sản hình thành cũng phải thông qua lao động sản xuất) chỉ do chiếm đoạt mà không thông qua … lao động. Bất công, bởi thế xã hội loài người cứ mãi là các cuộc cách mạng để đòi công bằng, để giành lại áo cơm mà những kẻ “đại thụ” phi nghĩa chiếm đoạt. Và hầu như các cuộc cách mạng đều nhân danh quyền lợi, cuộc sống của quần chúng nhân dân. Qua các cuộc đấu tranh, nhiều cuộc cách mạng, chế độ mới thay chế dộ cũ. Và đương nhiên ở chế độ mới người dân luôn mong có một  xã hội tốt đẹp, công bằng, ấm no, thoài mái tự do, được đối xử đàng hoàng tử tế hơn so với chế độ cũ. Như vậy mới có thể gọi là cách mạng, là phát triển và đa số người dân mới không thấy tiếc nuối xương máu hy sinh cho công cuộc đấu tranh. Bằng ngược lại, nếu cuộc sống người dân khổ hơn, mất tự do hơn, nghèo nàn lạc hậu hơn thì không thể gọi là cách mạng, hay công cuộc đấu tranh trở nên công cốc,  vô nghĩa. Dân hết tin !

Có một thời người ta hay “càm ràm” bản chất tư hữu của anh nông dân, cho rằng anh nông dân chỉ biết mảnh ruộng, ao làng không có khả năng làm cái gì đó to tát hơn chuyện làm ruộng cá thể.  Giờ nghĩ lại đố cha nào không tư hữu, đâu phải chỉ ông nông dân. Người nông dân tư hữu chỉ trong mảnh đất của mình, bằng sức lao động của mình. Có mấy cha chỉ thích tư hữu bằng chuyện chiếm của người khác nhưng lại đua đòi làm đại cuộc, thứ đó mới bịnh. Không biết có phải vì vậy mà chuyện sở hữu đất đai của nông dân bỗng dưng trở nên đủ thứ chuyện khó khăn. Từ chuyện tập thể hóa, vô hợp tác  thời bao cấp đến chuyện qui hoạch thời kinh tế thị trường, người nông dân vừa phải đối phó với ông trời thời tiết mưa nắng bất thường, bão bùng, hạn hán trên thiên đình cho đến những ông trời con ờ dưới đất. Một số ông trời con cứ lợi dụng chủ trương, chính sách mà “chiếm”, “cắt”, “chận”. Lẽ ra tập thể hóa ngày xưa hay qui hoạch ngày nay đều là chính sách đúng đắn, nhưng có lẽ “đầy tớ” của dân ta không phải ai cũng là thần thánh, cao siêu, vô tư, đẹp như tiên ông, tiên bà như một số người cứ rao giảng nên thời nào cũng có loài “đại thụ” phi nghĩa, dù chỉ số ít, cũng làm số đông “cỏ cú” sống dở  chết dở.

0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More