Sàigòn nhớ đâu kể đó ; Sân Thống Nhất


Nếu như quê hương ai đó có một dòng sông bên nhà, thì sát nhà tôi là sân banh (người Sàigòn thời đó gọi là đá banh, không gọi là bóng như hiện nay) Thống Nhất – trước 1975 có tên là sân vận động Cộng Hòa. Tuổi thơ của tôi gắn liền với cái sân banh nổi tiếng, đã từng là sân vận động lớn nhất nước đó.


Xóm tôi trước đây là khu nhà lụp xụp trong một con hẻm nhỏ xíu trên đường Tân Phước, dọc theo bờ tường sân Cộng Hòa. Trong xóm có nhiều gia đình chuyên sống bằng nghề bán hàng rong. Có những gia đình huy động hết tất cả các thế hệ bám lấy nghề bán hàng rong trong sân để sinh sống. Phía đường Tân Phước bên hông sân có một dãy tường tiếp giáp với khu dân cư, và tại đây có những người “sở hữu” từng cái lỗ trống, từng mét bờ tường để tổ chức  cho đội ngũ bán hàng rong đột nhập vào sân cùng với hàng hóa. Không chỉ tổ chức cho người bán hàng rong, họ còn đưa những khán giả không vé hoặc có vé nhưng đi trễ, sân đã đóng cửa. Rất nhiều lần các lỗ trống được trám lại kỹ lưỡng, và có một cái nghể độc chiêu xuất hiện là nghề …cho mướn vai. Khách hàng chỉ cần bỏ ra một số tiền rất ít so với cái vé cổng là có thể làm xiếc leo lên vai một người để phi thân vào sân, và trong sân cũng có một người tiếp rước, đưa vai đỡ cẳng để hạ cánh một cách an toàn, đảm bảo không gãy cẳng, thốn mông.


Sau 1975, sân được đổi tên thành sân Thống Nhất .Mặc dù đời sống kinh tế khó khăn, nhưng khán giả vẫn không bỏ qua những trận bóng đá sôi động trên sân Thống Nhất vào thời đó. Có thể nói đó là thời hoàng kim của bóng đá Việt Nam hay là một thời nhộn nhịp nhất của sân Thống Nhất. Từ giải Cửu Long cho đến giải A1 của các năm sau đó, hầu như trận nào cũng nghẹt cứng người, có lần khán giả tràn xuống cả đường piste, nhất là trong những trận cầu đinh giữa các đội miền Bắc, miền Nam : cảng Sàigòn, Câu lạc bộ quân đội. Hải quan, Tổng cục Đường Sắt … Ngoài các đội kể trên còn có các đội mà tiếng tăm vẫn còn đến hiện nay như : Xi Măng Hà Tiên, Công nghiệp thực phẩm, Ngân hàng, Hóa chất với các tên tuổi vang bóng một thời : Tam Lang, Ngôn, Thà, Tư Lê, Thăng, Cù Sinh, Cù Hè, Tư Béo, Tiết Anh, Mộng, Kim Hằng, Tần, Minh Nhí …

Ở các giải Cửu Long hoặc A1 , mỗi chiều Chủ Nhật có hai trận liên tiếp được bắt đầu từ lúc 15g. Những trận hay, khán giả xếp hàng dài dằng dặc ở các cửa đường Tân Phước và Đào Duy Từ để vào khán đài C, D và B. Khán giả có vé cộng với khán giả “nhập cư” bất hợp pháp làm cho các khán đài nói trên luôn quá tải. Có trận không còn đến cả chỗ đứng, tràn xuống hàng rào. Thậm chí có lần Ban tổ chức phải chấp nhận cho khán giả leo qua rào chắn, tràn cả xuống sân, ngồi sát đường biên để tránh nguy hiểm từ việc khán giả có thể chèn, đạp   lẫn nhau. Nhiều người tranh thủ đi rất sớm mới có được một chỗ ngồi. Những người dân xóm tôi, đặc biệt là những người bán hàng rong có thể kể vanh vách đội hình của các đội bóng A1 không chỉ ở TP. HCM mà kể cả các đội lừng lẫy ở miền Bắc, miền Trung, Tây Ninh, An Giang … Đặc biệt chúng tôi rất khoái đội Cảng SàiGòn. Bọn con nít trong xóm đã từng có một đội hình Đội Cảng Sàigòn với đầy đủ cầu thủ từ Tam Lang, Thăng, Thuận, Trung đầu sói, Xinh, Thà, Ngôn, Tư Lê, Thủ môn Lưu Kim Hoàng … chúng đã từng nhiều phen choảng nhau kịch liệt để dành vai thủ quân Tam Lang hay vai Tư Lê – một danh thủ có lối dẫn bóng điệu nghệ của đội Cảng SàiGòn …

Danh thủ Tam Lang

Mỗi lúc tan trận, bọn con nít xóm tôi có một kiểu kiếm tiền khá độc đáo. Lúc vô, khán giả sắp hàng trật tự, nhưng lúc ra như ong vỡ tổ, chen lấn, có khi té ngã dẫm đạp lên nhau. Thời đó có mốt mang dép sabô, đế cao, chen lấn hay bị sút dép, có người khi ra khỏi cổng chỉ có hai bàn chân không. Lợi dung chuyện đó, mấy thằng nhóc lăn xả từ ngoài vào đám đông nhặt dép, chúng gom một đống dép để ngay cổng, ai bị rớt dép cứ đến chuộc lại với giá hữu nghị. Gặp tay dữ dằn, không trả công nhặt dép mà còn nhéo tai, đá đít thì coi như làm không công mà còn bị ăn đòn.
Có những chuyện thuộc loại scandal chung quanh sân thống nhất. Tôi đã từng nghe một cao niên chỉ huy một đại gia đình bán hàng rong trong sân Thống Nhất kể về một vụ cá độ khá đặc biệt. Việc cá đội thắng, thua, hay đội nào phạt góc, ném biên trước không có gì lạ. Ông dám cá một chiếc xe honda 67, trong trận đó đích danh một cầu thủ sẽ sút tung lưới đối phương chỉ trong vòng 20 phút và ông đã thắng độ. Có hỏi từ đâu mà ông dám chắc mà cá, ông cười khà khà : “Tao nghe lén mấy thằng trùm nói với nhau trong quán nhậu, làm liều chơi luôn, ai dè thắng”. Ngoài kinh nghiệm bán hàng rong, ông còn có kinh nghiệm xem đá banh, mới vào trận chỉ nhìn cái kiểu chạy, kiểu đứng của cầu thủ là biết có bán độ hay không. Ông kể : “Banh vào vòng 16m50 mấy hậu vệ hay chắp tay đưa sau lưng có ý sợ trúng banh bị phạt đền, nhưng kỳ thật khi có dịp là trở bộ quay mông lại để banh trúng tay thực hiện chuyện bán độ”. Không biết những chuyện ông kể chính xác bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi tin là ông nói thật.

Giờ khu nhà lụp xụp xóm tôi không còn thấy dấu  tích. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, quán nhậu san sát bên sân Thống Nhất. Gia đình tôi cũng đã dọn đi từ lâu. Tôi cũng ít có dịp vào dân xem đá bóng. Nhưng mỗi lần đi ngang sân Thống Nhất tôi vẫn nhớ mãi những năm tháng tuổi thơ. Nhớ những lần đá bóng giữa lòng đường Nguyễn Kim trước sân Thống Nhất bị các anh phường đội rượt tới bến. Nhớ da diết không khí, khung cảnh trong những trận bóng đá sôi nổi, đám bạn bè, con nít bán hàng rong xóm tôi bán đắt  như tôm tươi, nhớ ông Tám hàng xóm chỉ huy hò hét đám con cháu thoắt lên thoắt xuống buôn bán ở các khán đài, nhớ những đêm đội quân bán hàng rong rút về hậu cứ, cả xóm, cả nhà quây quần trút mớ tiền lẻ xếp, đếm, tính lãi lỗ, cười nói rân trời. Và tôi không bao giờ quên khung cảnh sân bóng ban đêm, đang đá đèn mà bị cúp điện. Lòng chảo sân tối đen, như một thung lũng sâu hun hút. Chung quanh sân, hàng ngàn chấm lửa đỏ li ti từ những điếu thuốc lá, lấp lánh, lập lòe như một bầy đom đóm, những làn khói thuốc mong manh bay lờ đờ, lãng đãng. Đến khi có điện, một cảnh tượng  vui mắt hiện ra giữa sân : các cầu thủ nằm dài thành từng nhóm không phân biệt màu áo. Không biết họ nói với nhau những gì trong những phút giải lao đột xuất đó. Chắc họ tâm sự những chuyện vui buồn của giới “Quần đùi áo số”. 

0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More