Sàigòn, đất lành hay dữ


Đất lành chim đậu
Đất không lành đất nhậu chim luôn
Sài gòn, vùng đất lành và cũng … hổng lành. Coi dzậy chứ hổng phải dzậy !
Nếu hiểu “đất lành” là nơi có thể làm ăn, kiếm sống hay mơ ước cao hơn là làm giàu, Sàigòn thực sự là mãnh đất khá … lành. Về quê nhậu, ông anh bà con nhận định :
-  Ở quê, có năm mùa màng thất bát, nạn sâu rầy, dịch bệnh chỉ biết ngồi bó gối, thờ dài … muốn kiếm vài ba  ngàn cũng không ra. Ở Sài gòn, nghe người ta nói làm mấy cái nghề linh tinh như chạy xe ôm, bơm xe, bán bánh mì, trà đá cũng kiếm bộn”.
Cái chữ “bộn” của ổng nói nghe ... dễ ợt. Người ở quê tưởng tượng Sàigòn y chang người Sàigòn tưởng tượng cuộc sống ở xứ Mỹ, quá dễ kiếm tiền. Không biết ở Mỹ ra sao, xa quá ! Chứ ở SàiGòn, bán trà đá, bơm xe, bánh mì, hủ tiếu gõ … tất cả đều có thể kiếm tiền, không chừng làm giàu, nếu cần cù siêng năng và quan trọng nhất là phải … có nơi để bán. Mà tìm chỗ để bán yên ổn ở đất Sài Gòn không phải chuyện đơn giản, nhất là với người dân nhập cư.
Đường sá, vỉa hè Sài gòn coi lộn xộn, “cà na xí muội cát bụi xà bần” dzậy chứ có trật tự hết. Đâu phải muốn bán là bán. Mỗi góc phố, gốc cây, ngã tư, nắp cống, đầu hẽm … ở những vị trí đông dân cư có thể buôn bán được đều có chủ, mặc dù là đất công. Muốn chuyển nhượng đều có giá hẳn hoi, thời gian trước còn tính bằng chỉ, bằng cây (lượng vàng), có luôn người làm chứng mà khỏi cần một tờ giấy nào, có luật vỉa hè phân xử. Sài gòn không chỉ có “con đường có lá me bay” hay “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, Sài gòn còn có “đường hủ tiếu gõ”, “đường cháo huyết”,và cả “những con đường … rác (làm nghề đổ rác) ” . Mấy cái nghề này đều có bảo kê, lãnh địa. Chỉ được buôn bán hay đổ rác trên những con đường trong phạm vi bảo kê. Hôm nào ế ẩm, buồn tình đẩy qua chỗ khác là có chuyện liền. Bị đập bể xe là nhẹ nhất.
Chuyện chạy xe ôm … cũng oải. Có ông bạn già thời bao cấp dạy học lương ít, khó khăn quá, đành “mất dạy” chuyển sang nghề khác. Thời gian sau này, có lúc bị “viêm màng túi mãn tính”, xách cái xe cà tàng ra ngã tư chạy xe ôm. Đậu xe đó, chưa bập hết nửa điếu thuốc có ai từ sau lưng vỗ vai : “Ê, ông già đậu xe chờ ai, còn muốn bắt mối xe ôm phải biết điều nha!”. Quay lại, một thanh niên mặc cái áo zin phạch ngực, phì phèo thuốc lá trợn mắt thách thức. Vừa thấy mặt ông hắn chợt nhíu mày, rồi giật mình kêu lên :
- Chời ơi! thầy .. thầy Năm, thầy nhớ tui hôn, hồi xưa đi học tui quậy trong lớp thầy bẻ phấn liệng tui hoài đó, nhớ hôn. Mà thầy tính chạy xe ôm hả, dzậy thầy cứ đậu đây đi, thầy chạy được nhiêu giữ hết đi, khỏi đưa ai hết, thằng nào hỏi thầy cứ nói có làm dziệt với thằng Chín Lung dzồi, hổng sao đâu, hổng có thằng nào đụng tới thầy đâu, Chín Lung là biệt danh ngoài đường, chứ hồi đi học tui là thằng Dũng lé”   
Ông vừa hết hồn, vừa buồn, vừa cảm động. Buồn vì một thằng học trò ngày xưa giờ thành một tên giang hồ đường phố, bảo kê xe ôm. Cảm động vì dù sao hắn cũng còn cái nghĩa “tôn sư trọng đạo” bảo kê miễn phí cho mình.

***


Từ góc trường đua Phú Thọ rẽ phải xuôi theo đường Lãnh Binh Thăng đi thẳng một mạch là đến Ngã Tư Bốn Xã, Quận Bình Tân. Để có tuyến đường thông suốt như vậy, nhà nước đã phải giải tỏa nhị tỳ Quảng Đông rộng lớn, mở rộng đường Ông Ích Khiêm, đường Hòa Bình. Địa danh này trước đây là vùng ven, không thuộc SàiGòn. Dân Sàigòn cũng hiếm ai đến đây vì giao thông cách trở. Bây giờ Ngã Tư Bốn Xã đã trở thành khu thị tứ, đường nhựa phẳng lì, rộng lớn. Giá trị nhà cửa đất đai không thua gì khu vực nội đô. Công đầu có thể nói thuộc về những người dân nhập cư. 


Chân ướt, chân ráo vô Sài gòn sinh sống, người nhập cư khó có điều kiện an cư trong nội thành. Họ phải dạt ra vùng ven để thuê phòng trọ, hoặc xin che nhờ, ở đậu. Và chỉ có họ mới chấp nhận cư ngụ ở những nơi thiếu thốn đủ thứ : đèn dầu, nước gánh, muỗi mòng, an ninh phức tạp với khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa. Lần hồi dân tứ xứ đổ về đông đúc. Vùng đất nông nghiệp dần được đô thị hóa. Những người đến trước . chịu khó làm ăn thêm một chút may mắn đã nghiễm nhiên trở thành “thổ địa”, có người giàu lên, có người thành đại gia. .. và cũng có người cũng nghèo y nguyên, có người về quê. 

Chuyện kể có anh từ Quãng Ngãi vô đạp xích lô chở mấy chị bán đồ hàng bông (rau cải) ở chợ Bình Long. Tối anh ngủ trên chiếc xích lô, nhiều lúc bị trấn lột, anh phải dấu tiền trong viên gạch ống chêm xe.Vậy mà anh cũng dành dụm mua được miếng đất nhỏ cất chòi để ở, rồi cưới một chị bán rau là mối ruột đi xe. Hai vợ chồng chí thú làm lụng, tích cóp tiếp tục mua thêm đất. Trãi qua mấy cơn sốt đất, hai vợ chồng làm luôn chuyện môi giới, mua bán đất, giờ có công ty bất động sản. Những chuyện như vậy không hiếm ở những vùng đô thị mới chung quanh SàiGòn. Quả là đất lành chim đậu. 

Trong nội thành, một thời có những vùng đất chỉ nghe tên, dân Sàigòn đã rùng mình. Nhiều lắm, kể không xuể như : khu Tôn Đản quận 4, khu Mã Lạng, quận 1, khu Hàm Tử giáp ranh quận 5, quận 8, và vô số những con hẽm mà người lạ đi vào khó lòng đi ra nguyên vẹn. Những vùng đất dữ thực sự. Người sinh sống ở Sài gòn lâu năm không ai dám đặt chân đến những nơi này, dù chỉ đi ngang qua. Và chỉ có những người nhập cư mới dám đến thuê và mua nhà để ở vì giá quá rẻ. Và chính họ cùng với nhà nước đã chuyển hóa địa bàn, dần dà vùng đất dữ bớt dữ, có những nơi thành khu dân cư an ninh bình thường như các nơi khác. 

Sài gòn đất không còn rộng vì người ngày càng đông. Có vẻ rất khó khăn cho những ai mới đến. Nhưng chắc chắn là đất lành cho những ai siêng năng, cần cù, nhanh nhạy. Người Sàigòn bề ngoài có vẻ thẳng tính. ngang tàng, bốp chát nhưng chắc chắn dễ chịu, thoáng đến mức … “chịu chơi” hơn bất cứ người ở vùng nào trên đất nước. Chỉ cần giơ tay chào và cười một cái là mọi chuyện cho qua hết. Do vậy đất lành, đất dữ chỉ là khái niệm. Vấn đề chỉ là con người thiện hay ác.



0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More