Hồi ức với "Đại bác ru đêm"

Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, đại bác qua đây con thơ buồn tủi ....
 

Lần đầu tiên tôi nghe giai điệu bài hát “Đại bác ru đêm” năm tôi chỉ hơn mười tuổi sau cái Tết Sàigòn đầy lửa đạn.
Sàigòn vốn yên bình giữa cuộc chiến ở miền Nam ác liệt, dai dẳng. Chỉ trừ cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968, người Sài gòn chưa từng trực diện với chiến tranh. Và một khi cuộc chiến diễn ra ngay trong thành phố, dân chỉ biết chạy hết hẽm này qua hẽm khác, quận này qua quận kia tìm nơi tránh đạn. Ký ức của tôi là hình ảnh nhiều gia đình trú ẩn trong một trường học bên kia Cầu Muối, hàng trăm con người đêm đêm nằm yên  lắng nghe tiếng đại bác ì ầm dội về, thi thoảng giật mình bởi hàng loạt tiếng súng lớn, súng nhỏ rộ lên đâu đó, rất gần. Họ thì thầm, lo lắng !

... nửa đêm quen sống, từng đêm nghe ngóng


Cuộc chiến dài quá, tưởng chừng như vô tận. Người Việt khao khát, mong mỏi hòa bình hàng ngày, hàng giờ kể cả trong tâm thức, người đợi nghe nửa đêm hòa bình, hòa bình *. Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe tiếng đại bác dội về như cố nghe thân phận của mình, của mẹ, của con, của những người thanh niên mặc áo lính ở chiến trường. Những năm đó, dù ở tuổi thiếu niên, nhưng tôi đã cảm nhận được sự tàn khốc của cuộc chiến trong những người gần gũi nhất. Đó là những giọt nước mắt của bà ngoại tôi khi hay tin cậu tôi bị đưa ra chiến trường làm lao công đào binh vì tội đào ngũ. Đó là  người chú cố chạy thoát khỏi cảnh sát đi lùng bắt quân dịch. Đó là những chiếc GMC chở mấy cái quan tài phủ cờ chạy chầm chậm trên đường tìm địa chỉ, những người phụ nữ là vợ, là mẹ trong xóm nín thở trông theo để rồi sẽ có tiếng gào khóc từ một căn nhà nào đó khi người lính báo tin dữ bước vào. Và còn hàng triệu phận người nữa trong cuộc chiến mà có lẽ chỉ có những“ca khúc da vàng” hay “nhạc phản chiến” của Trịnh Công Sơn mới khắc họa hết được. Những ca khúc đó, “Đại bác ru đêm” được hát, được nghe khắp nơi từ quán xá, phòng trà, sân trường, lớp học, quân trường kể cả trại lính .. nhưng hình như chưa bao giờ được phép hát trên ... tivi.




Tôi không rành về âm nhạc, nhưng thời đó hàng đêm nghe tiếng đại bác dội về từ phía ngoại ô SàiGòn và nghe “Đại bác ru đêm” từ cuộn băng magne quay chầm chậm trên chiếc máy Akai khiến tôi rùng mình. Không biết phải diễn tả thế nào, chỉ biết không thể quên được cảm xúc đó dù đã bao năm trôi qua. Sau này vào khoảng thời gian năm 1984 tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, tôi được dự một buổi nói chuyện về âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến kể có người đã thắc mắc những trái đại bác trong “Đại bác ru đêm” là của phe nào. Chẳng biết để làm gì? Nhưng giờ đây, có lẽ không ai cần giải đáp cho thắc mắc này làm gì, chỉ mong bóng ma chiến tranh , những trái đại bác đừng bao giờ hiển hiện trên đất nước Việt Nam một lần nào nữa. 

0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More