Âm nhạc, vẫn cần một chữ sến


Đời không như là mơ, đời là vạn ngày sầu … Đời lúc thăng, lúc trầm, lúc vui, lúc buồn, lúc sướng, lúc khổ … Và hình như niềm vui ít, nỗi buồn nhiều hơn nên con người cứ cất tiếng  than van, lắm lúc đến não ruột. Mà nếu cứ nghe mãi tiếng thở than âu sầu “nguyên chất”, chính loài người cũng phát ngán, nên dòng nhạc “sến” ra đời (!). Từ đó, khi gặp chuyện buồn, khi thất tình, thất nghiệp, thất bại, khi nghèo…  thay vì kêu trời, kêu đất, thở ra, thở vô, con người cất tiếng hát. Chỉ vài câu hát, có thể nỗi sầu sẽ vơi đi rất  nhiều.
Than tình :

Thôi rồi, ta đã xa nhau
Kê từ đêm pháo đỏ, rượu hồng
(Cho vừa lòng em)
Than nghèo
Đời nghèo chẳng dám mơ tình thương
Trời cao có thấu, cúi xin người ban phước cho đời con
……………………….
(Kiếp nghèo)


Than phận :
Đời tôi cô đơn, nên yêu ai cũng không duyên.
(Người yêu cô đơn)
Có lúc dòng nhạc này được gọi là nhạc vàng, ủy mị. Rồi sau đó gộp chung gọi là nhạc “sến”. Cái nghĩa của từ “sến” đến nay vẫn còn đang tranh cãi, chưa có kết luận chính thức nào. Thôi, cứ tạm gọi là “sến”, vì chưa biết gọi là gì, chứ không có ý gì khác.  Nhưng thực tế nhạc “sến” cứ sống dai dẳng trong đời, từ thế hệ này sang thế hệ khác. .. Dòng nhạc "sến" hình như không bao giờ chết vì nội dung, ca từ, giai điệu như len lỏi vào từng nẻo tâm hồn con người.  Những cảm xúc vui buồn, yêu thương, than thở, buồn chán trong từng bài hát thường được thể hiện bằng giai điệu bolero hay rumba rất “đã”, không cường điệu, màu mè, dễ nghe, dễ hát theo "chách, chách, chách, từng tưng”. Nghe những bài nhạc "sến" ai cũng có thể hiểu rất nhanh bài hát muốn nói lên điều gì. Sử dụng từ "sến" cũng không sao, nhưng những người tự cho mình "không sến" cũng phải chào thua sự hâm mộ của người nghe đối với dòng nhạc sến.  


Nhạc “sến” là một nốt lặng trong cuộc đời, như những phút giải sầu, như cái bậc chiếu nghỉ trên những bậc thang. Than van một vài câu để cho đời thêm nên thơ, không hẳn  là bi quan, ủy mị.
Nhớ lại một thời …

Sau một ngày đào kinh làm thủy lợi, vắt hết sức với bùn, đất, mưa nắng, đội quân lao động trở về lán trại mệt nhoài, nằm lăn ra .. thở,  chờ tắm rửa, cơm nước và nghỉ ngơi. Chợt cái loa sắt từ căn chòi của ban chỉ huy nông trường bật phát inh ỏi :

“Sản xuất và chiến đấu, sản xuất và chiến đấu
Cả nước lên đường, lên…….  đường,  ………..”

Cả đội bật dậy, nhìn nhau, thở hắt ra rồi nằm ọp xuống, bịt lỗ tai, hết hơi, chỉ muốn lên giường. Muốn sản xuất và chiến đấu cũng phải chờ đến sáng mai. Nhạc phát không đúng lúc.
Lớp trẻ thời đó thiếu đói một dòng nhạc tình, nhạc đời. Chỉ nghe được các bản tình ca trong chiến tranh, tình khúc của Nga và nhạc không lời ngoại quốc. Khi chán đời chỉ dám hát khe khẽ : “Lỡ mai anh chết em có buồn không” …  
Nhưng nếu “than thở kiểu nói thẳng, nói phứt ra” với những ca từ của một số tác phẩm nhạc trẻ hiện nay thì quả thật, không dám hát. Điều này, có rất nhiều bài viết đề cập đến, nên cũng không dám bàn thêm.


0 comments:

Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More