Lưỡi bò hay khỉ KingKong




Việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 là  giọt nước làm tràn ly sức chịu đựng của người Việt Nam. Bởi lẽ đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc gây hấn và Việt Nam cũng không phải là nạn nhân duy nhất của họ. Philippin, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ … đều có ít nhiều va chạm với cường quốc hay gây sự này.

Ngẫm lời Thánh nhân


Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương, vị tướng lỗi lạc thời nhà Trần của dân tộc Việt qua các thời đại, người đã thống lĩnh quân đội đánh tan tác quân Nguyên Mông từ phương Bắc xâm lược vỡ mật, mất vía. Khi Ngài tuổi già sức yếu, vua Trần Anh Tôn thân đến hỏi về phép trị quốc, giữ nước, Ngài đã tâu nhiều điều, có đoạn nói về cách phòng chống giặc:

Âm nhạc, vẫn cần một chữ sến


Đời không như là mơ, đời là vạn ngày sầu … Đời lúc thăng, lúc trầm, lúc vui, lúc buồn, lúc sướng, lúc khổ … Và hình như niềm vui ít, nỗi buồn nhiều hơn nên con người cứ cất tiếng  than van, lắm lúc đến não ruột. Mà nếu cứ nghe mãi tiếng thở than âu sầu “nguyên chất”, chính loài người cũng phát ngán, nên dòng nhạc “sến” ra đời (!). Từ đó, khi gặp chuyện buồn, khi thất tình, thất nghiệp, thất bại, khi nghèo…  thay vì kêu trời, kêu đất, thở ra, thở vô, con người cất tiếng hát. Chỉ vài câu hát, có thể nỗi sầu sẽ vơi đi rất  nhiều.
Than tình :

Thôi rồi, ta đã xa nhau
Kê từ đêm pháo đỏ, rượu hồng
(Cho vừa lòng em)
Than nghèo
Đời nghèo chẳng dám mơ tình thương
Trời cao có thấu, cúi xin người ban phước cho đời con
……………………….
(Kiếp nghèo)

Trái tim phiền muộn đã vui lại một giờ


Có lẽ sẽ còn lâu lắm, rất lâu hay sẽ không bao giờ đời có được một Trịnh Công Sơn thứ hai. 
​“Trịnh Công Sơn viết nhạc như lấy đồ trong túi của mình”, một nhận định dí dỏm lại khá chính xác của nhạc sĩ Văn Cao.
Để rồi bất cứ ai nghe những giai điệu, ca từ trong các tình khúc Trịnh cứ tưởng như có mình trong đó, như đang nghe những lời thì thầm từ cuộc tình của một thời. Những tình khúc cất lên được những nhịp đập của tất cả trái tim đang thổn thức vì em, vì yêu, vì nhớ, vì tình…

Tiến sĩ Cao Huy Thuần nói: “Bài nào của Sơn mà không có chữ em, chữ yêu, không có chữ tình, chữ tin chắc chắn không phải là bài hát của Trịnh Công Sơn. Đó là Trịnh Công Sơn giả cầy” (trích: Paris, tiếng hát Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn Quang Sáng).
“Em”, “Yêu”,” Nhớ”, “Tình”… tất cả, trong tình khúc Trịnh Công Sơn dường như chỉ dành cho hoài niệm, ký ức, những mối tình đã qua theo năm tháng…


Ôi áo xưa lồng lộng
đã xô dạt trời chiều
Như từng cơn nước rộng
Xóa một ngày đìu hiu

Trái tim con người hình như được lập trình sẵn, chỉ cho phép nhận dạng chữ “yêu” với một người, chỉ một người. Dù mai sau có ai đi nữa, chương trình nhận dạng sẽ báo lỗi “không phải tình yêu”. Để khi cuộc tình lặng lẽ trôi đi để lại nỗi nhớ, nỗi  buồn…  ngàn năm.

Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm

Nỗi nhớ, nỗi buồn không ẻo lả, yếu đuối, sướt mướt nhưng cứ lãng đãng, âm ỉ, lúc lắng xuống lúc trào dâng, mượt mà một hình bóng cũ.
Dáng em trôi dài trôi mãi trôi theo ngàn năm
Tâm sự, hạnh phúc, đau đáu nỗi niềm với người không hiện hữu trong cuộc đời mình, người của ngày xưa.

Chiều nay còn mưa sao em không lại
Nhỡ mai trong cơn đau vùi
Làm sao có nhau
… … … … … …
Bao nhiêu năm, cuộc tình trôi đi nhưng vẫn cứ loanh quanh trong cuộc mộng ảo. Có những nỗi đau vì tình nào lãng đãng, dai dẳng bám riết hết một đời người? Cuộc tình không có tuổi?

Làm sao em biết bia đá không đau?

Để một ngày nào đó, tìm lại người của ngày xưa, bất chợt tìm lại cảm xúc  hạnh phúc thật trong cơn ảo mộng. 

Tình ngỡ chết trong nhau, nhưng tình vẫn rộn ràng
Tình ngỡ đã quên lâu, nhưng người vẫn bâng khuâng
Những ngón tay ngại ngùng đã ru lại tình gần
Như ngoài khơi gió động hết cuộc đời lênh đênh.

Cho dù chỉ là một cuộc tìm về, tìm lại để nhặt nhạnh một chút hạnh phúc sót lại bên bóng hình người xưa cũ, nhưng cũng đủ trái tim bao năm phiền muộn đã vui trở lại, dù chỉ được một giờ.
Ôi trái tim phiền muộn đã vui lại một giờ

Như bờ xa nước cạn đã chìm vào cơn mưa

Kiểu uống cà phê Sàigòn


Không phải là vùng đất trồng café , nên làm quái gì có thứ cà phê chính hiệu SàiGòn. “Chính hiệu” và “đặc sản” của café  Sàigòn ở chỗ cái kiểu uống và vô số quán café
Những quán cà phê vẫn mở cửa suốt ngày
Trên những con đường Sài Gòn hôm nay

Hồi ức với "Đại bác ru đêm"

Đại bác đêm đêm dội về thành phố người phu quét đường dừng chổi đứng nghe
Đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, đại bác qua đây con thơ buồn tủi ....
 

Lần đầu tiên tôi nghe giai điệu bài hát “Đại bác ru đêm” năm tôi chỉ hơn mười tuổi sau cái Tết Sàigòn đầy lửa đạn.
Sàigòn vốn yên bình giữa cuộc chiến ở miền Nam ác liệt, dai dẳng. Chỉ trừ cuộc tổng công kích Mậu Thân 1968, người Sài gòn chưa từng trực diện với chiến tranh. Và một khi cuộc chiến diễn ra ngay trong thành phố, dân chỉ biết chạy hết hẽm này qua hẽm khác, quận này qua quận kia tìm nơi tránh đạn. Ký ức của tôi là hình ảnh nhiều gia đình trú ẩn trong một trường học bên kia Cầu Muối, hàng trăm con người đêm đêm nằm yên  lắng nghe tiếng đại bác ì ầm dội về, thi thoảng giật mình bởi hàng loạt tiếng súng lớn, súng nhỏ rộ lên đâu đó, rất gần. Họ thì thầm, lo lắng !

... nửa đêm quen sống, từng đêm nghe ngóng


Cuộc chiến dài quá, tưởng chừng như vô tận. Người Việt khao khát, mong mỏi hòa bình hàng ngày, hàng giờ kể cả trong tâm thức, người đợi nghe nửa đêm hòa bình, hòa bình *. Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe tiếng đại bác dội về như cố nghe thân phận của mình, của mẹ, của con, của những người thanh niên mặc áo lính ở chiến trường. Những năm đó, dù ở tuổi thiếu niên, nhưng tôi đã cảm nhận được sự tàn khốc của cuộc chiến trong những người gần gũi nhất. Đó là những giọt nước mắt của bà ngoại tôi khi hay tin cậu tôi bị đưa ra chiến trường làm lao công đào binh vì tội đào ngũ. Đó là  người chú cố chạy thoát khỏi cảnh sát đi lùng bắt quân dịch. Đó là những chiếc GMC chở mấy cái quan tài phủ cờ chạy chầm chậm trên đường tìm địa chỉ, những người phụ nữ là vợ, là mẹ trong xóm nín thở trông theo để rồi sẽ có tiếng gào khóc từ một căn nhà nào đó khi người lính báo tin dữ bước vào. Và còn hàng triệu phận người nữa trong cuộc chiến mà có lẽ chỉ có những“ca khúc da vàng” hay “nhạc phản chiến” của Trịnh Công Sơn mới khắc họa hết được. Những ca khúc đó, “Đại bác ru đêm” được hát, được nghe khắp nơi từ quán xá, phòng trà, sân trường, lớp học, quân trường kể cả trại lính .. nhưng hình như chưa bao giờ được phép hát trên ... tivi.




Tôi không rành về âm nhạc, nhưng thời đó hàng đêm nghe tiếng đại bác dội về từ phía ngoại ô SàiGòn và nghe “Đại bác ru đêm” từ cuộn băng magne quay chầm chậm trên chiếc máy Akai khiến tôi rùng mình. Không biết phải diễn tả thế nào, chỉ biết không thể quên được cảm xúc đó dù đã bao năm trôi qua. Sau này vào khoảng thời gian năm 1984 tại số 4 Phạm Ngọc Thạch, tôi được dự một buổi nói chuyện về âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Trần Xuân Tiến kể có người đã thắc mắc những trái đại bác trong “Đại bác ru đêm” là của phe nào. Chẳng biết để làm gì? Nhưng giờ đây, có lẽ không ai cần giải đáp cho thắc mắc này làm gì, chỉ mong bóng ma chiến tranh , những trái đại bác đừng bao giờ hiển hiện trên đất nước Việt Nam một lần nào nữa. 

Sàigòn, đất lành hay dữ


Đất lành chim đậu
Đất không lành đất nhậu chim luôn
Sài gòn, vùng đất lành và cũng … hổng lành. Coi dzậy chứ hổng phải dzậy !
Nếu hiểu “đất lành” là nơi có thể làm ăn, kiếm sống hay mơ ước cao hơn là làm giàu, Sàigòn thực sự là mãnh đất khá … lành. Về quê nhậu, ông anh bà con nhận định :
-  Ở quê, có năm mùa màng thất bát, nạn sâu rầy, dịch bệnh chỉ biết ngồi bó gối, thờ dài … muốn kiếm vài ba  ngàn cũng không ra. Ở Sài gòn, nghe người ta nói làm mấy cái nghề linh tinh như chạy xe ôm, bơm xe, bán bánh mì, trà đá cũng kiếm bộn”.
Cái chữ “bộn” của ổng nói nghe ... dễ ợt. Người ở quê tưởng tượng Sàigòn y chang người Sàigòn tưởng tượng cuộc sống ở xứ Mỹ, quá dễ kiếm tiền. Không biết ở Mỹ ra sao, xa quá ! Chứ ở SàiGòn, bán trà đá, bơm xe, bánh mì, hủ tiếu gõ … tất cả đều có thể kiếm tiền, không chừng làm giàu, nếu cần cù siêng năng và quan trọng nhất là phải … có nơi để bán. Mà tìm chỗ để bán yên ổn ở đất Sài Gòn không phải chuyện đơn giản, nhất là với người dân nhập cư.
Đường sá, vỉa hè Sài gòn coi lộn xộn, “cà na xí muội cát bụi xà bần” dzậy chứ có trật tự hết. Đâu phải muốn bán là bán. Mỗi góc phố, gốc cây, ngã tư, nắp cống, đầu hẽm … ở những vị trí đông dân cư có thể buôn bán được đều có chủ, mặc dù là đất công. Muốn chuyển nhượng đều có giá hẳn hoi, thời gian trước còn tính bằng chỉ, bằng cây (lượng vàng), có luôn người làm chứng mà khỏi cần một tờ giấy nào, có luật vỉa hè phân xử. Sài gòn không chỉ có “con đường có lá me bay” hay “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, Sài gòn còn có “đường hủ tiếu gõ”, “đường cháo huyết”,và cả “những con đường … rác (làm nghề đổ rác) ” . Mấy cái nghề này đều có bảo kê, lãnh địa. Chỉ được buôn bán hay đổ rác trên những con đường trong phạm vi bảo kê. Hôm nào ế ẩm, buồn tình đẩy qua chỗ khác là có chuyện liền. Bị đập bể xe là nhẹ nhất.
Chuyện chạy xe ôm … cũng oải. Có ông bạn già thời bao cấp dạy học lương ít, khó khăn quá, đành “mất dạy” chuyển sang nghề khác. Thời gian sau này, có lúc bị “viêm màng túi mãn tính”, xách cái xe cà tàng ra ngã tư chạy xe ôm. Đậu xe đó, chưa bập hết nửa điếu thuốc có ai từ sau lưng vỗ vai : “Ê, ông già đậu xe chờ ai, còn muốn bắt mối xe ôm phải biết điều nha!”. Quay lại, một thanh niên mặc cái áo zin phạch ngực, phì phèo thuốc lá trợn mắt thách thức. Vừa thấy mặt ông hắn chợt nhíu mày, rồi giật mình kêu lên :
- Chời ơi! thầy .. thầy Năm, thầy nhớ tui hôn, hồi xưa đi học tui quậy trong lớp thầy bẻ phấn liệng tui hoài đó, nhớ hôn. Mà thầy tính chạy xe ôm hả, dzậy thầy cứ đậu đây đi, thầy chạy được nhiêu giữ hết đi, khỏi đưa ai hết, thằng nào hỏi thầy cứ nói có làm dziệt với thằng Chín Lung dzồi, hổng sao đâu, hổng có thằng nào đụng tới thầy đâu, Chín Lung là biệt danh ngoài đường, chứ hồi đi học tui là thằng Dũng lé”   
Ông vừa hết hồn, vừa buồn, vừa cảm động. Buồn vì một thằng học trò ngày xưa giờ thành một tên giang hồ đường phố, bảo kê xe ôm. Cảm động vì dù sao hắn cũng còn cái nghĩa “tôn sư trọng đạo” bảo kê miễn phí cho mình.

***


Từ góc trường đua Phú Thọ rẽ phải xuôi theo đường Lãnh Binh Thăng đi thẳng một mạch là đến Ngã Tư Bốn Xã, Quận Bình Tân. Để có tuyến đường thông suốt như vậy, nhà nước đã phải giải tỏa nhị tỳ Quảng Đông rộng lớn, mở rộng đường Ông Ích Khiêm, đường Hòa Bình. Địa danh này trước đây là vùng ven, không thuộc SàiGòn. Dân Sàigòn cũng hiếm ai đến đây vì giao thông cách trở. Bây giờ Ngã Tư Bốn Xã đã trở thành khu thị tứ, đường nhựa phẳng lì, rộng lớn. Giá trị nhà cửa đất đai không thua gì khu vực nội đô. Công đầu có thể nói thuộc về những người dân nhập cư. 


Chân ướt, chân ráo vô Sài gòn sinh sống, người nhập cư khó có điều kiện an cư trong nội thành. Họ phải dạt ra vùng ven để thuê phòng trọ, hoặc xin che nhờ, ở đậu. Và chỉ có họ mới chấp nhận cư ngụ ở những nơi thiếu thốn đủ thứ : đèn dầu, nước gánh, muỗi mòng, an ninh phức tạp với khu nghĩa địa Bình Hưng Hòa. Lần hồi dân tứ xứ đổ về đông đúc. Vùng đất nông nghiệp dần được đô thị hóa. Những người đến trước . chịu khó làm ăn thêm một chút may mắn đã nghiễm nhiên trở thành “thổ địa”, có người giàu lên, có người thành đại gia. .. và cũng có người cũng nghèo y nguyên, có người về quê. 

Chuyện kể có anh từ Quãng Ngãi vô đạp xích lô chở mấy chị bán đồ hàng bông (rau cải) ở chợ Bình Long. Tối anh ngủ trên chiếc xích lô, nhiều lúc bị trấn lột, anh phải dấu tiền trong viên gạch ống chêm xe.Vậy mà anh cũng dành dụm mua được miếng đất nhỏ cất chòi để ở, rồi cưới một chị bán rau là mối ruột đi xe. Hai vợ chồng chí thú làm lụng, tích cóp tiếp tục mua thêm đất. Trãi qua mấy cơn sốt đất, hai vợ chồng làm luôn chuyện môi giới, mua bán đất, giờ có công ty bất động sản. Những chuyện như vậy không hiếm ở những vùng đô thị mới chung quanh SàiGòn. Quả là đất lành chim đậu. 

Trong nội thành, một thời có những vùng đất chỉ nghe tên, dân Sàigòn đã rùng mình. Nhiều lắm, kể không xuể như : khu Tôn Đản quận 4, khu Mã Lạng, quận 1, khu Hàm Tử giáp ranh quận 5, quận 8, và vô số những con hẽm mà người lạ đi vào khó lòng đi ra nguyên vẹn. Những vùng đất dữ thực sự. Người sinh sống ở Sài gòn lâu năm không ai dám đặt chân đến những nơi này, dù chỉ đi ngang qua. Và chỉ có những người nhập cư mới dám đến thuê và mua nhà để ở vì giá quá rẻ. Và chính họ cùng với nhà nước đã chuyển hóa địa bàn, dần dà vùng đất dữ bớt dữ, có những nơi thành khu dân cư an ninh bình thường như các nơi khác. 

Sài gòn đất không còn rộng vì người ngày càng đông. Có vẻ rất khó khăn cho những ai mới đến. Nhưng chắc chắn là đất lành cho những ai siêng năng, cần cù, nhanh nhạy. Người Sàigòn bề ngoài có vẻ thẳng tính. ngang tàng, bốp chát nhưng chắc chắn dễ chịu, thoáng đến mức … “chịu chơi” hơn bất cứ người ở vùng nào trên đất nước. Chỉ cần giơ tay chào và cười một cái là mọi chuyện cho qua hết. Do vậy đất lành, đất dữ chỉ là khái niệm. Vấn đề chỉ là con người thiện hay ác.



Ký ức Sài Gòn : Sân Thống Nhất

Nếu như quê hương ai đó có một dòng sông bên nhà, thì sát nhà tôi là sân banh (người Sàigòn thời đó gọi là đá banh, không gọi là bóng như hiện nay) Thống Nhất – trước 1975 có tên là sân vận động Cộng Hòa. Tuổi thơ của tôi gắn liền với cái sân banh nổi tiếng, đã từng là sân vận động lớn nhất nước đó.
Xóm tôi trước đây là khu nhà lụp xụp trong một con hẻm nhỏ xíu trên đường Tân Phước, dọc theo bờ tường sân Cộng Hòa. Trong xóm có nhiều gia đình chuyên sống bằng nghề bán hàng rong. Có những gia đình huy động hết tất cả các thế hệ bám lấy nghề bán hàng rong trong sân để sinh sống. Phía đường Tân Phước bên hông sân có một dãy tường tiếp giáp với khu dân cư, và tại đây có những người “sở hữu” từng cái lỗ trống, từng mét bờ tường để tổ chức  cho đội ngũ bán hàng rong đột nhập vào sân cùng với hàng hóa. Không chỉ tổ chức cho người bán hàng rong, họ còn đưa những khán giả không vé hoặc có vé nhưng đi trễ, sân đã đóng cửa. Rất nhiều lần các lỗ trống được trám lại kỹ lưỡng, và có một cái nghể độc chiêu xuất hiện là nghề …cho mướn vai. Khách hàng chỉ cần bỏ ra một số tiền rất ít so với cái vé cổng là có thể làm xiếc leo lên vai một người để phi thân vào sân, và trong sân cũng có một người tiếp rước, đưa vai đỡ cẳng để hạ cánh một cách an toàn, đảm bảo không gãy cẳng, thốn mông.
Sau 1975, sân được đổi tên thành sân Thống Nhất .Mặc dù đời sống kinh tế khó khăn, nhưng khán giả vẫn không bỏ qua những trận bóng đá sôi động trên sân Thống Nhất vào thời đó. Có thể nói đó là thời hoàng kim của bóng đá Việt Nam hay là một thời nhộn nhịp nhất của sân Thống Nhất. Từ giải Cửu Long cho đến giải A1 của các năm sau đó, hầu như trận nào cũng nghẹt cứng người, có lần khán giả tràn xuống cả đường piste, nhất là trong những trận cầu đinh giữa các đội miền Bắc, miền Nam : cảng Sàigòn, Câu lạc bộ quân đội. Hải quan, Tổng cục Đường Sắt … Ngoài các đội kể trên còn có các đội mà tiếng tăm vẫn còn đến hiện nay như : Xi Măng Hà Tiên, Công nghiệp thực phẩm, Ngân hàng, Hóa chất với các tên tuổi vang bóng một thời : Tam Lang, Ngôn, Thà, Tư Lê, Thăng, Cù Sinh, Cù Hè, Tư Béo, Tiết Anh, Mộng, Kim Hằng, Tần, Minh Nhí …
Ở các giải Cửu Long hoặc A1 , mỗi chiều Chủ Nhật có hai trận liên tiếp được bắt đầu từ lúc 15g. Những trận hay, khán giả xếp hàng dài dằng dặc ở các cửa đường Tân Phước và Đào Duy Từ để vào khán đài C, D và B. Khán giả có vé cộng với khán giả “nhập cư” bất hợp pháp làm cho các khán đài nói trên luôn quá tải. Có trận không còn đến cả chỗ đứng, tràn xuống hàng rào. Thậm chí có lần Ban tổ chức phải chấp nhận cho khán giả leo qua rào chắn, tràn cả xuống sân, ngồi sát đường biên để tránh nguy hiểm từ việc khán giả có thể chèn, đạp   lẫn nhau. Nhiều người tranh thủ đi rất sớm mới có được một chỗ ngồi. Những người dân xóm tôi, đặc biệt là những người bán hàng rong có thể kể vanh vách đội hình của các đội bóng A1 không chỉ ở TP. HCM mà kể cả các đội lừng lẫy ở miền Bắc, miền Trung, Tây Ninh, An Giang … Đặc biệt chúng tôi rất khoái đội Cảng SàiGòn. Bọn con nít trong xóm đã từng có một đội hình Đội Cảng Sàigòn với đầy đủ cầu thủ từ Tam Lang, Thăng, Thuận, Trung đầu sói, Xinh, Thà, Ngôn, Tư Lê, Thủ môn Lưu Kim Hoàng … chúng đã từng nhiều phen choảng nhau kịch liệt để dành vai thủ quân Tam Lang hay vai Tư Lê – một danh thủ có lối dẫn bóng điệu nghệ của đội Cảng SàiGòn …
Mỗi lúc tan trận, bọn con nít xóm tôi có một kiểu kiếm tiền khá độc đáo. Lúc vô, khán giả sắp hàng trật tự, nhưng lúc ra như ong vỡ tổ, chen lấn, có khi té ngã dẫm đạp lên nhau. Thời đó có mốt mang dép sabô, đế cao, chen lấn hay bị sút dép, có người khi ra khỏi cổng chỉ có hai bàn chân không. Lợi dung chuyện đó, mấy thằng nhóc lăn xả từ ngoài vào đám đông nhặt dép, chúng gom một đống dép để ngay cổng, ai bị rớt dép cứ đến chuộc lại với giá hữu nghị. Gặp tay dữ dằn, không trả công nhặt dép mà còn nhéo tai, đá đít thì coi như làm không công mà còn bị ăn đòn.
Có những chuyện thuộc loại scandal chung quanh sân thống nhất. Tôi đã từng nghe một cao niên chỉ huy một đại gia đình bán hàng rong trong sân Thống Nhất kể về một vụ cá độ khá đặc biệt. Việc cá đội thắng, thua, hay đội nào phạt góc, ném biên trước không có gì lạ. Ông dám cá một chiếc xe honda 67, trong trận đó đích danh một cầu thủ sẽ sút tung lưới đối phương chỉ trong vòng 20 phút và ông đã thắng độ. Có hỏi từ đâu mà ông dám chắc mà cá, ông cười khà khà : “Tao nghe lén mấy thằng trùm nói với nhau trong quán nhậu, làm liều chơi luôn, ai dè thắng”. Ngoài kinh nghiệm bán hàng rong, ông còn có kinh nghiệm xem đá banh, mới vào trận chỉ nhìn cái kiểu chạy, kiểu đứng của cầu thủ là biết có bán độ hay không. Ông kể : “Banh vào vòng 16m50 mấy hậu vệ hay chắp tay đưa sau lưng có ý sợ trúng banh bị phạt đền, nhưng kỳ thật khi có dịp là trở bộ quay mông lại để banh trúng tay thực hiện chuyện bán độ”. Không biết những chuyện ông kể chính xác bao nhiêu phần trăm, nhưng tôi tin là ông nói thật.

Giờ khu nhà lụp xụp xóm tôi không còn thấy dấu  tích. Thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, quán nhậu san sát bên sân Thống Nhất. Gia đình tôi cũng đã dọn đi từ lâu. Tôi cũng ít có dịp vào dân xem đá bóng. Nhưng mỗi lần đi ngang sân Thống Nhất tôi vẫn nhớ mãi những năm tháng tuổi thơ. Nhớ những lần đá bóng giữa lòng đường Nguyễn Kim trước sân Thống Nhất bị các anh phường đội rượt tới bến. Nhớ da diết không khí, khung cảnh trong những trận bóng đá sôi nổi, đám bạn bè, con nít bán hàng rong xóm tôi bán đắt  như tôm tươi, nhớ ông Tám hàng xóm chỉ huy hò hét đám con cháu thoắt lên thoắt xuống buôn bán ở các khán đài, nhớ những đêm đội quân bán hàng rong rút về hậu cứ, cả xóm, cả nhà quây quần trút mớ tiền lẻ xếp, đếm, tính lãi lỗ, cười nói rân trời. Và tôi không bao giờ quên khung cảnh sân bóng ban đêm, đang đá đèn mà bị cúp điện. Lòng chảo sân tối đen, như một thung lũng sâu hun hút. Chung quanh sân, hàng ngàn chấm lửa đỏ li ti từ những điếu thuốc lá, lấp lánh, lập lòe như một bầy đom đóm, những làn khói thuốc mong manh bay lờ đờ, lãng đãng. Đến khi có điện, một cảnh tượng  vui mắt hiện ra giữa sân : các cầu thủ nằm dài thành từng nhóm không phân biệt màu áo. Không biết họ nói với nhau những gì trong những phút giải lao đột xuất đó. Chắc họ tâm sự những chuyện vui buồn của giới “Quần đùi áo số”. 

Tiệm nước Chợ Lớn



Đọc bài viết “Không gian tiệm nước Sàigòn” của nhà thơ Trần Tiến Dũng trong quyển tạp văn cùng tên, người trung niên, lớn tuổi sinh sống ở Sài gòn nhận ra ngay đó là không gian của những tiệm nước do người Hoa mà hầu hết là người Quảng kinh doanh. Ở đâu tập trung nhiều người Hoa, ở đó có tiệm nước. Lạ một điều thời đó người Việt có mở quán bán cà phê, hủ tiếu đi nữa, nơi đó cũng không gọi là tiệm nước. “Tiệm nước” chỉ để  gọi những cái quán của người Hoa. Ở Chợ Lớn xưa, Người Triều Châu (người Tiều) trồng cải, bán chạp phô, người Quảng mở hàng quán, thức ăn, nước uống. Nhắc đến “tiệm nước” là hồi tưởng về những hoài niệm. Tiệm nước “chính hiệu” ngày xưa giờ chỉ còn trong ký ức.

Sài Gòn, mãnh đất hội tụ xưa và nay

Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi
Đi lên đi xuống đã đời du côn
Bùi Giáng tiên sinh người Quảng Nam, sau thời gian lang thang, phiêu lãng ở mãnh đất Sài Gòn “nắng mưa bất chợt” đã cảm khái hai câu thơ trên. Trong thơ cho thấy thi sĩ đã phân vùng rõ, Sài Gòn là Sài Gòn, Chợ Lớn là Chợ Lớn, Sài Gòn không bao gồm Chợ Lớn.
Người sống ở Sài Gòn thuộc các thế hệ trước hiểu Sài Gòn chỉ là khu trung tâm thành phố, chợ Bến Thành, quận 1, quận 3. Vô tới quận 10, quận 5, quận 6 đã là Chợ Lớn. Tạt qua quận 11, Tân Bình, Trường Đua là Phú Thọ. Qua Cầu Bông đến Bà Chiểu, Lăng Ông, quận Bình Thạnh là đã qua Gia Định. Ngó qua bên kia là Cầu Kiệu, Phú Nhuận. Từ khu Sài Gòn chỉ qua cái cầu là tới Khánh Hội, rồi về quận 8, Xóm Củi, Bến Bình Đông
Ra Sài Gòn, vô Chợ Lớn, qua Khánh Hội, xuống Bến Bình Đông, về Gia Định… tất cả những động từ “ra”, “vô”, “qua”, “xuống”, “về”  từ lâu được mặc định gắn với từng địa danh, không ai hiểu vì sao và cũng chẳng cần ai giải thích, có lẽ chỉ do quen miệng: “ra Sài Gòn chơi”,qua Khánh Hội có công chuyện”, “vô Chợ Lớn thăm người quen”… Do vậy xét về mặt địa lý và theo cách hiểu lúc trước, Sài Gòn lúc trước không phải là cảTthành phố Hồ Chí Minh. Vì thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có cả Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn… và các vùng ven khác. Sài Gòn chỉ là “cục nhưn” của Thành phố Hồ Chí Minh.
“Cục nhưn Sài Gòn” đó mấy chục năm qua vẫn vậy, không có thay đổi nào đáng kể, hầu như còn nguyên. Nếu có, chỉ có vài con đường được mở rộng, nhiều cao ốc, nhà cao tầng mọc lên. Ví dụ: Các trục đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Thị Minh Khai, khu vực Dinh Thống Nhất, hay theo đường Trần Hưng Đạo từ công trường Quách Thị Trang thẳng một lèo xuống đường Trần Hưng Đạo B (ngày xưa là Đồng Khánh) đến Chợ Lớn, đường này trước đây trong giới xe lam gọi là “tuyến đường giữa”, tuyến đường nhiều khách nhất,  nối liền Sài Gòn – Chợ Lớn. Qui hoạch, đường sá ở các khu vực này hầu như quá chuẩn, không thể có một sáng tạo nào có thể áp dụng làm biến dạng khung cảnh. Nhưng Sài Gòn theo cách hiểu ngày nay đã khác, không còn là “cục nhưn” mà đã được hiểu rộng ra cho tất cả các khu vực trong nội đô.
  

“Dân Sài Gòn”, “người Sài Gòn” cũng chỉ là những khái niệm tạm thời, tương đối. Người ở Sài Gòn dù có trên ba đời, nếu hỏi tới ông cố, ông sơ cũng có gốc ở nơi khác. Gần nhất cũng là Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm, Bình Dương... hoặc các tỉnh miền Tây… Như quê hương của nhà văn Sơn Nam – cũng là một lãng đãng du thần Sài Gòn chỉ bằng đôi chân cuốc bộ, một nhà Sài Gòn học  có quê ở Rạch Giá – Kiên Giang. Với miền Bắc, miển Trung, nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người dân đã nhập cư “dzô” Sài Gòn, rồi để trở thành người Sài Gòn. Người Bắc ở khắp nơi, các giáo xứ, họ đạo. Người Trung, Quảng Nam ở khu vực Ngã tư Bảy Hiền dọc theo đường Lạc Long Quân, khu vực chợ Tân Bình, ở đây còn có chợ Bà Hoa chuyên bán hàng, thức ăn Quảng Nam. Hay cả người Chăm ở quận 1, khu vực chợ Nancy, Trần Hưng Đạo… Và không thể quên được Chợ Lớn, một China town ở Việt Nam. Người Hoa cũng có mặt rất sớm ở mảnh đất Sài Gòn, tên của Chú Ía, Chú Hỏa, từ tên người đã trở thành những địa danh lâu đời.
Do vậy, những người ở nơi khác mới đến làm việc, lập nghiệp ở Sài Gòn đừng tự cho mình là “người nhập cư” hay không phải là “người Sài Gòn gốc”. Vì “Người Sài Gòn gốc” hầu như không có thật. Chỉ là người đến trước (dù là đến trước đến mấy đời) và người đến sau. Chính “người nhập cư” hiện nay lại là người biết nhiều vùng đất Sài Gòn vì phải tìm hiểu, đối phó, phải thay đổi chổ ở thường xuyên. Có những người sinh sống lâu năm ở Sài Gòn chỉ ở một chỗ. Nhiều cụ ông, cụ bà, bà phò (bà già người Hoa) ở Chợ Lớn, quanh năm suốt tháng chưa ra tới đầu hẽm, nói chi ra chợ Bến Thành. Lâu lâu được con cháu đưa đi, các cụ nhìn đường phố cứ hỏi những câu như là Việt kiều mới về nước.
Đất lành chim đậu.
Đất không lành đất nhậu chim luôn.

Sài Gòn, mảnh đất hội tụ xưa và nay, nơi người tứ xứ đổ về tìm một cơ hội nào đó. Sài Gòn có tính cách riêng. Và những ai mới đến sống ở Sài Gòn sẽ dần hiểu, nhận biết và sớm hòa đồng với tính cách Sài Gòn. Hãy quên cụm từ “dân nhập cư” để trở thành người Sài Gòn và có tính cách rất Sài Gòn



Twitter Delicious Facebook Digg Stumbleupon Favorites More